XÓM TRỌ CÔ LÝ (III- cuối)

Trong cái đám sinh viên của xóm, mình là người gắn bó lâu dài với cô Lý nhất. Kể từ khi cái tòa nhà 5 tầng (70 phòng) ở xóm bên cạnh của cô khánh thành, cô không mấy ngó ngàng tới xóm cũ nữa. Mình được bổ nhiệm và đóng dấu quyết định bằng mồm lên vị trí Trưởng xóm. Cô bảo cháu ở bên đó bảo ban các em sinh hoạt cho lành mạnh. Tất nhiên, trách nhiệm luôn đi đôi với quyền lợi. Quyền lợi của Trưởng xóm khi ấy là được phép đóng tiền muộn trong vòng 5 ngày.

Mấy thằng trong xóm hôm nào không có chuyện gì chém thì lại lôi chuyện nhà cô Lý ra đàm đạo. Chúng nó thắc mắc: không biết nhà cô bây giờ có bao nhiêu tiền nhỉ? Đất thì cô có tầm chục miếng, phòng trọ dễ đến hơn trăm phòng, vợ chồng cô lại làm ở những nơi có nhiều bổng lộc. Mình đếch biết cũng nhưng vẫn đưa ra dự đoán cho xứng với cái danh Trưởng: “nếu ngân hàng nhà nước bây giờ chuyển sang tính tiền bằng cân, tao đoán nhà cô chắc có gần tấn rồi”.

Bọn nó lại nhao nhao lên: Thế tiền nhiều như thế sao cô ấy vẫn phải đi làm bằng xe bus, chồng cô ấy thì đi con Cub 82 mấy chục năm nay. Nói không ngoa có hôm xe hết xăng chú lại chạy sang mượn xe ku Sỹ đi làm nữa chứ. Cơm thì chủ yếu mua tai lợn luộc, hoặc đậu, hoặc trứng. Vậy thì rốt cuộc tiền cô để làm gì??? Mình bảo: bọn mày sang mà hỏi cô ấy, tao đéo biết.

Nhưng thôi, chuyện đấy đếch vui. Kể chuyện khác.

Đầu năm cuối thì phòng mình có thêm ku Viên lên ở cùng. Thằng này là bạn nối khố với mình theo kiểu “cục cứt cắn làm đôi” quá hiểu nhau rồi nên không kể về nó. Phòng ku Sỹ thì có thêm Tiến To đến ở cùng.

Ku Sỹ có tên đầy đủ là Phạm Trung Sỹ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình cơ bản ở Lào Cai. Bố làm hải quan, mẹ làm tiểu thương. Nói chung là một dạng công tử ngoan ngoãn chỉ ăn và học, không phải làm lụng gì mấy. Hồi mới lên cầu chì cháy cũng không biết đấu. Nhưng qua một thời gian chồng cô Lý hay nhờ đi sửa điện, sửa ống nước, thông bể phốt cùng thành ra ku cậu lại thuần thục mấy thứ đó. Nhiều lần sau khi đi đọc số điện cùng chồng cô Lý về, Sỹ có vẻ bực tức kể: “mẹ, có mỗi câu hỏi mà lần nào chú ấy cũng hỏi em”. Mình bảo câu gì. Nó bảo lần nào đi cùng ông ấy cũng bị hỏi:



- Tao không hiểu sao bố mẹ mày lại đặt tên là Trung Sỹ, mất công đặt thì đặt mẹ nó là Đại Tá hay Thượng Tướng đi. Lẹt đẹt cái hàm cỏn con đó làm gì nhể?

Mình không nhịn được cười hỏi lại: thế mày trả lời sao? Nó bảo: em có biết đéo đâu, hỏi bố mẹ em cũng bảo không nhớ, bực cả mình.

Tiến To có lẽ là thằng có nhiều biến cố nhất trong cái đám sinh viên trọ nhà cô Lý. Năm nhất có học bổng, năm 2 đạt loại khá, năm 3 bắt đầu nợ môn, năm 4 không ra được trường kịp tiến độ. Nếu có ai hỏi gì thì nó chỉ cười nhạt bảo: “à, thầy thương, cô quý, bạn mến nên giữ lại làm lớp trưởng thêm năm nữa”. Đéo hiểu cái khái niệm “thêm năm nữa” của nó là mấy năm, chỉ biết rằng mình đi làm được đôi năm rồi vẫn nghe phong thanh nó lọ mọ đến trường.

Tiến To trắng trẻo, phốp pháp. Ăn nói nhẹ nhàng, sạch sẽ, lúc rảnh thường mang gương ra cửa nặn mụn. Thích nấu ăn, ghét nói chuyện gái gú. Có tối ngủ cùng nhau, nó xoa xoa tay vào ngực mình tâm sự: “bác Lợi ạ, bác có biết ước mơ của em bây giờ là gì không?”. Thấy chột dạ, ngoảnh ra thì thấy chai dầu ăn to tướng khiến mình không khỏi hoang mang quá lắm. Nghĩ bụng nhẽ nó định thông đít mình, gạt tay nó ra mình hỏi:

“Là gì?”.

Nó bảo:

“Chắc em đi làm 1,2 năm kiếm tiền trả bố mẹ em nuôi em mấy năm ăn học, sau đó sẽ đi tu. Ước mơ lớn nhất của em là được làm trụ trì ở một ngôi chùa nào đó bác ạ”.

“Thằng điên, ngủ đi!” .Mình bảo.

Tưởng nó đùa, hóa ra là thật. Có những buổi nó không thèm đi học, bỏ cả thi chỉ là để ngồi nhà nghiền ngẫm Kinh Phật hay sách Tử Vi. Lại có bữa nó gieo cho mình một quẻ, rồi phán như đúng rồi: “bác yên tâm, số bác sau này sướng đấy, lại nhiều tiền, đéo phải lo đâu”.

Bố tổ sư! Tiến ơi là Tiến, chú đang ngự ở chùa nào vậy? Về đây gieo lại quẻ cho anh cái, anh đang phải chạy ăn từng bữa đây.

Không biết ma xui, quỷ khiến như thế nào mà một thằng nom thánh thiện hơn cả sư tiểu như nó lại cũng bị dính vào lô đề. Nếu đánh vui vui, văn nghệ gọi là kiếm tiền mua nắm xôi ăn sáng như bọn mình thì đếch phải bàn. Đằng này nó dư rả, lại không tiêu pha gì thế mà con Đờ rim của bố nó cũng phải đi ở vài lần, tiền tiết kiệm mấy chục củ được họ hàng cho lúc đỗ ĐH của nó cũng hết.

Chả hiểu có phải theo phong thủy hay không mà nó đổi quán ghi liên tục. Hôm thì ghi nhà Oanh béo, hôm sang chú Hùng Diệu ( chú uống diệu rất ác), có hôm phi xe xuống tận Nhổn City để đánh. Rồi có những buổi chiều trốn học, nó cùng chú Hùng Diệu ngồi ghi ghi chép chép, vẽ kín 2 trang giấy A4 những hình thù kỳ quái nhìn như ma trận để soi cầu. Tối nào mà thấy nó ăn hết bữa cơm, bưng bát đi rửa tức hôm đó nó trúng. Còn nếu trượt thì nó sẽ bỏ dở bữa, đi về phòng nằm. Có hôm nó khoe: ĐM, hôm nay tự dưng trúng đề mà em đéo muốn lấy tiền.

Mình bảo: “Ơ! thằng điên, đánh đề không mong trúng à?”. Nó bảo: “mẹ cái ông Hùng, em ghi đề còn thừa tiền (khuyến mại), em bảo chú thích con nào thì ghi đại cho cháu 1 con. Tối ra ông ấy bảo hôm nay mày trúng con đề 13 nhé. Phắc (fuck), mấy con 13, 49, 53 em kiêng có bao giờ ghi đéo đâu. Đen bỏ cụ!”.

Ra trường, nó chuyển xuống ở với ku em trai để tiện quản lý, sợ ku em hư hỏng. Từ dạo đó anh em mất liên lạc luôn.

Trong cái đám bạn của ku Viên hay đến phòng mình nhậu nhẹt hoặc đánh phỏm thì mình thấy ấn tượng với anh Ngọc Giáo Sư. Tuy không thuộc xóm cô Lý nhưng hay la liếm ở phòng mình nên có tí liên quan.

Ngọc giáo sư thuộc đời đầu 8x, đi bộ đội về xong mới thi Sư Phạm. Sở dĩ có cái đuôi “giáo sư” đi kèm là vì anh thích nghiên cứu, tranh luận, phản biện về các môn như Triết học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nho học…Có tiết học không biết anh tranh luận kiểu gì mà bị thầy giáo đuổi ra khỏi lớp với lý do là quá lầy và cùn.

Ngọc giáo sư có con xe Best ghẻ biển 92, không yếm, không phanh chân,không còi, không đề. Nếu đi xa thì kiểu gì cũng bị tuột xích ngang đường và luôn luôn phải đem theo một túi nước để thi thoảng dội vào máy cho đỡ nóng.

Mỗi lần đánh bài thua (chủ yếu là thua) là anh sẽ chửi thề một câu mang đầy âm hưởng vùng quê Quảng Nôm: “đù má, đen voãi lồng”. Sau đó anh sẽ vận dụng kiến thức mà anh thụ được phán thêm: “Theo mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức thì anh thấy chỗ anh ngồi hôm nay đéo hợp phong thủy, cho anh đổi chỗ cái”. Xoay hết một vòng vẫn thua anh sẽ tiếp tục tìm nguyên nhân khác, ví dụ: anh thường đổ cho Lan Chọi vì nó hay chạy loăng quăng ngoài sân. Anh gào lên: Lan Chọi, sao quả tạ kia, mi cút zô phòng đuê! Những lúc như vậy, ai cũng đành im lặng, chớ có đứa nào dại gì bơm đểu, nếu không sẽ bị xé bài ngay lập tức.

Ngọc giáo sư loắt choắt như Yên Chòe nhưng chuyện chăn gối của anh thì ở mức thượng thừa. Ai nghe anh kể cũng há hốc mồm trầm trồ thán phục. Có đứa còn tôn anh lên làm đệ ruột Tây Môn Khánh.

Đợt đó anh có cô người yêu (bọn bạn thối mồm của anh gọi là bà nội của Ngọc giáo sư) cùng quê nhưng đang sinh sống ở Đà Lạt. Nghe anh tâm sự chuyện tình lâm ly bi đát của anh, ai cũng thương. Anh kêu muốn có dịp nào đó anh và người yêu anh được gặp nhau thời gian dài dài tí nhưng ngặt một nỗi kinh tế anh không có. Yêu xa thế này khổ lắm. Thấy xót xa quá, bọn bạn chơi thân với anh, đứa cắm laptop, đứa cho anh vay tiền học phí để anh vào trong đó đón người yêu ra Hà Nội chơi cho thỏa lòng ước mong.

Mình hỏi ku Viên và đám bạn của Ngọc giáo sư sao lại gọi người yêu ông ấy là bà nội, khổ thân ông ấy ra. Bọn nó bảo: thì đúng thế thật còn gì, xấu và già bỏ con mẹ, tưởng ngon thế nào làm anh em lao tâm khổ tứ xoay tiền cho ông ấy. Mày nhìn thấy 2 con nhái nó cưỡi nhau như thế nào thì tưởng tượng ông bà ấy như thế. (Vãi cả so sánh).

Sau 2 tháng ra chơi, “bà nội” của Ngọc giáo sư quay về chốn cũ. Nghe đâu được một thời gian thì đi lấy chồng. Đợt đó, Ngọc giáo sư bỏ ăn bỏ học nằm bẹp dí ở nhà vì thất tình. Hôm nguôi ngoai, anh gọi cho đám ku Viên kêu ra phòng anh nhậu cho đỡ buồn. Bọn này phần mừng vì thấy anh đã “sống lại”, phần vì cũng thèm nhậu nên tức tốc phóng xe ra Mễ Trì ngay, đéo nói nhiều. Lên tới phòng anh bỏ bát cà muối, đĩa cá khô và can rượu ra bảo nhậu đi, uống tạm nhé. Mấy thằng ngậm ngùi nâng chén. Vừa uống anh vừa chỉ lên tờ lịch treo tường:

- Các chú có thấy một hàng dài ô vuông gạch chéo kia không. Có hiểu gì không?

Cả lũ lắc đầu. Anh giải thích:

- Mỗi lần phịch (ngày ấy chưa dùng Chịch hoặc Xoạc như bây giờ) là anh vạch lên đó một gạch đấy. Sau 2 tháng tổng cộng được 123 gạch. Các chú thấy kinh không?

Cả đám suýt sặc, cười ăng ẳng.

Nói chung, gắn bó ở xóm cô Lý từ năm đầu đến tận khi lấy vợ nên nơi này gần như ngôi nhà thứ 2 của mình khi tha phương. Xóm bây giờ toàn các em mới tinh hết rồi. Có nhiều kỷ niệm mà nếu kể hết thì chắc phải dài như cuộn giấy vệ sinh của voi. Bây giờ thỉnh thoảng rẽ qua quán chị Oanh Béo làm cốc trà đá. Chị Oanh Béo kể : Từ ngày bọn mày không ở đây nữa, nếu xét về khía cạnh nhan sắc thì bọn con gái mới ở đây xinh và ngon hơn trước. Nhưng nếu xét về nếp sống thì chị đéo thấy vui và đoàn kết như xưa.

Chị còn kể thêm: bọn con gái xóm cô Lý bây giờ toàn dẫn giai về ngủ, phịch nhau như gà. Mình ngạc nhiên hỏi: “sao chị biết hay vậy?”. Chị bảo: “ tao lạ đéo gì, nhà tao ngay đây, đêm nào tao chẳng dạy sớm nấu đồ bán ăn sáng. Đèo mẹ, nghe bọn nó rên cứ như mèo cái động đực ấy”. Hehe.

Dãy phòng phía “tháp Ép Phen” bây giờ đã bị đập đi xây lại bằng một dãy 2 tầng hoành tráng lệ hơn xưa rất nhiều. Chả hiểu sao cô Lý lại xin được giấy phép xây dãy phòng ngay chân cột điện cao thế đó? Có mang những hồ nghi ấy ra giãi bày thì chị Oanh Béo giảng giải: “ Ơ hay cái thằng này, có tiền là có tất cả. Nhà bà ấy thiếu đéo gì tiền. Hỏi dở hơi vãi”.

Mình gật gù hiểu ra vấn đề. Rồi hỏi thăm dạo này cô Lý có quản lý chặt như ngày xưa không. Chị bảo: “ Không, thời gian đâu mà đi soi, dãy bên kia 5 tầng đã mệt rồi. Giờ hai ông bà ấy lại nghỉ hưu, bắt thêm đàn lợn với mấy chục con gà nuôi sau vườn. Bận bỏ cụ ra ấy”.

Định hỏi thêm nhưng có điện thoại nên mình nhấc đít chào chị ra về. Xe nổ được một đoạn thì nghe thấy giọng Oanh béo gọi với theo:

“ Hôm nào chúng mày chuyển về đây ở cho vui đê, từ ngày bọn mày đi chị chả bán được hàng…”

Ngoái lại thì thấy, vẫn con người ấy, vẫn cái bụng ba ngấn ấy, vẫn cái đít lồng bàn ấy, vẫn đôi má bánh đúc ấy và vẫn đôi mắt u buồn của người đàn bà truân chuyên ấy. Liếc sang dãy phòng của xóm cô Lý tự nhiên thấy lòng mênh mang một cách khó tả.

 

Nguồn: https://www.facebook.com/vinhloi.doan

XÓM TRỌ CÔ LÝ (III- cuối) XÓM TRỌ CÔ LÝ (III- cuối)
8.18/10 379 bài đánh giá