Cách ứng phó khi nhà bị ngập nước do mưa lớn

Bảo vệ sức khỏe Thông thường, các vi sinh vật gây bệnh có trong đất, cống rảnh, rác thải... thường theo dòng nước ngập đi vào nhà và chúng có thể gây nên những căn bệnh nguy hiểm như: dịch tả, tiêu chảy, dị ứng, thương hàn, cảm lạnh và một số căn bệnh truyền nhiễm khác. Do đó, để hạn chế và loại bỏ những nguy cơ mắc bệnh trong thời gian nhà bị ngập nước, việc bạn cần làm đó là đảm bảo vệ sinh cho cơ thể và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt là nên ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn các loại rau ...

Bảo vệ sức khỏe

Thông thường, các vi sinh vật gây bệnh có trong đất, cống rảnh, rác thải... thường theo dòng nước ngập đi vào nhà và chúng có thể gây nên những căn bệnh nguy hiểm như: dịch tả, tiêu chảy, dị ứng, thương hàn, cảm lạnh và một số căn bệnh truyền nhiễm khác. Do đó, để hạn chế và loại bỏ những nguy cơ mắc bệnh trong thời gian nhà bị ngập nước, việc bạn cần làm đó là đảm bảo vệ sinh cho cơ thể và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt là nên ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn các loại rau sống.


Cần ​đảm bảo vệ sinh cơ thể và vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian nhà bị ngập nước. Ảnh: Internet

Trong trường hợp nhà bạn có nuôi thú cưng hay các loại gia cầm, gia súc thì cần phải quản lý chúng chặt chẽ, nuôi nhốt vào một khu vực riêng biệt, tránh việc thả rong làm lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, bạn cũng cần vệ sinh sạch sẽ mọi ngõ ngách trong nhà nhằm hạn chế tối đa việc các loại rắn, rết, chuột, ruồi, muỗi, nhặng,… chết khiến cho môi trường sống càng trở nên ô nhiễm hơn.

Bảo vệ, làm sạch và xử lý đồ đạc trong gia đình trong thời gian ngập úng

Trước khi mưa lớn kéo dài làm nước dâng lên gây ngập úng trong nhà, bạn và các thành viên khác trong nhà cần tiến hành di chuyển ngay các đồ dùng quan trọng dễ bị hư hỏng đến các khu vực an toàn, nhất là các thiết bị điện, bình ga, một số đồ vật có giá trị, hay các loại giấy tờ, tài liệu quan trọng… Một điều quan trọng cần làm nữa đó là bạn nên ngắt ngay các thiết bị điện, ga, nước trước khi nhà bị ngập. Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng túi ni lông, vải nhựa… để che đậy và bao bọc các vật dụng, tránh bị dính nước.

Đối với quần áo


Không cho trực tiếp đồ nhiều bùn đất vào trong máy giặt. Ảnh: Internet

Quần áo là đồ dùng rất dễ tích trữ vi sinh vật gây hại có trong nước ngập, nếu bạn không xử lý khéo và đúng cách thì bản thân bạn và các thành viên trong nhà sẽ có nguy cơ mắc các loại bệnh khác nhau. Do đó, bạn cần vệ sinh quần áo trong nhà theo các cách sau:

- Trước hết, bạn cần phân loại quần áo trước khi giặt, ví dụ loại quần áo màu trắng thì giặt chung với nhau, còn loại quần áo nhiều màu thì giặt chung với nhau. Tương tự, loại quần áo nào sạch thì giặt chung và loại nào dính nhiều vết bẩn, bùn đất thì giặt chung.

- Tuyệt đối không bọc quần áo bẩn vào túi ni lông kín vì có thể sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển và sinh sôi. Đồng thời, bạn không nên cho quần áo dính nhiều bùn đất vào máy giặt, tốt nhất là dùng vòi xịt để loại bỏ hết vết bẩn bùn đất trước khi giặt.

- Giặt quần áo ở nhiệt độ cao nhất cho phép nhằm tiêu diệt triệt để vi khuẩn gây hại, ngoài ra bạn cũng có thể dùng thêm một nắp dung dịch nước khử trùng.

- Nên ngâm quần áo trong bột giặt qua đêm, sau đó mới giặt và phơi để đảm bảo các loại vi khuẩn được tiêu diệt hết.

Đối với đồ nội thất


Đồ nội thất trong nhà chìm ngập trong nước. Ảnh: Internet

Với một số đồ nội thất bằng gỗ như: bàn, kệ, tủ… thì bạn có thể dùng các loại dung dịch chuyên dụng để tẩy rửa và vệ sinh chúng. Sau đó, bạn tiến hành làm khô chúng bằng cách cho nước bay hơi rồi đánh lại vecni để chống ẩm và mối mọt, mục ruỗng sau khi bị ngâm nước. Còn với đồ nội thất làm từ các vật liệu dễ thấm hút và tích trữ nước như nệm, xốp, thảm… thì bạn cần phải hút sạch hết nước, hút kỹ cho đến khi kiệt nước, rồi sau đó giặt sạch bằng dung dịch giặt và khử mùi chuyên dụng, cuối cùng sau khi giặt thì tiến hành hút khô lại một lần nữa. Ngoài ra, với đồ nội thất, tuyệt đối là bạn không được mang ra phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời quá gay gắt nhé vì nắng nóng sẽ làm hỏng cấu trúc món đồ, thậm chí là bạn không thể sử dụng được nữa.

Đối với đồ điện gia dụng

Bạn tuyệt đối không được cắm điện chạy thử các loại đồ điện gia dụng trong nhà nếu chẳng may chúng vừa bị ngâm nước. Điều bạn cần làm đó là mang chúng đến ngay các cửa hàng điện lành nghề để nhân viên tại đó tiến hành kiểm tra, tháo rời và sấy khô các chi tiết nhỏ bên trong.

Đối với các loại giấy tờ, tài liệu quan trọng


Cần xử lý giấy cần thận các loại tờ quan trọng bị thấm nước. Ảnh: Internet

Chẳng may các loại giấy tờ và tài liệu quan trọng trong nhà bạn bị ngấm nước, trước tiên bạn cần phải dùng giấy thấm để hút nước, sau đó sấy khô giấy tờ ở nhiệt độ nhỏ hoặc đem phơi chúng ở ngoài trời. Ngoài ra còn một cách khác nữa đó là bạn có thể đặt giấy sáp vào giữa các mặt giấy rồi cho chúng vào trong tủ lạnh để làm đông. Phương pháp này sẽ ngăn được sự phát triển của vi khuẩn, đồng thời làm chậm quá trình phân hủy của giấy, từ đó bạn sẽ có thêm thời gian để tìm cách xử lý phù hợp hơn.

Những lưu ý sau khi nước trong nhà rút đi:

- Sau khi nước trong nhà rút đi, bạn cần hết sức thận trọng khi bước vào nhà, nhất là lưu ý các đường dây điện có thể bị đứt và tuyệt đối không bật lửa nếu nghi ngờ có đường dẫn khí ga bị phá vỡ.

- Làm sạch và khử trùng lần nữa các đồ vật bị ẩm ướt trong nhà. Bùn bám từ nước lụt có thể chứa nước thải và các hóa chất gây hại.

- Tìm kiếm và xử lý xác súc vật chết bằng cách phun hóa chất diệt trùng, tưới dầu hỏa lên xác động vật để chống sự xâm nhập của các loài ăn thịt, côn trùng và mang đi chôn hoặc tiêu hủy hợp lý.

- Kiểm tra thực phẩm, loại bỏ ngay các loại thực phẩm bị nhiễm bẩn.

- Kiểm tra nguồn nước trong nhà, thanh lọc sạch nước nếu có dấu hiệu bị ô nhiễm. Tránh sử dụng nguồn nước lũ vì nước có thể bị ô nhiễm bởi dầu, xăng, nước thải.

- Xem lại cơ sở hạ tầng của ngôi nhà, nhất là hệ thống cửa chính, cửa sổ và mái nhà. Ngoài ra cần kiểm tra lại hệ thống thoát nước để nước không bị tắc, tràn vào nhà. Nếu có nuôi súc vật, cần chỉnh trang lại chuồng, lồng chắc chắn.

Trên đây là một số biện pháp hữu ích dùng để ứng phó khi nhà bạn bị ngập lụt. Hy vọng với những thông tin mà Rever cung cấp này, bạn sẽ có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng và an tâm hơn trong mùa mưa bão!

Hùng Phú