Cẩn trọng khi chuyển kênh đầu tư

Việc chuyển kênh đầu tư sẽ thu lãi cao nếu biết bán đúng lúc ở kênh đang “sốt” và mua ở kênh đang “lạnh”, còn thực hiện ngược lại sẽ gánh chịu rủi ro.
Việc chuyển vốn trong từng thời kỳ giữa các kênh đầu tư (vàng, bất động sản và cổ phiếu) là phương cách tối ưu  giúp tăng nhanh giá trị, tuy nhiên nếu thiếu kiến thức và kinh nghiệm, có khi động thái này lại gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.


Mất vốn vì chuyển kênh tùm lum

Nhờ trúng cổ phiếu trong cơn sốt năm 2006, bà Võ Thị Hạnh (cư ngụ tại quận 7-TPHCM) có tiền mua một căn nhà cấp 4, diện tích đất 90 m² tại khu phố 4, phường Tân Thuận Tây với giá 670 triệu đồng. Hai tháng sau, vì thấy nhiều người hỏi mua nên bà quyết định bán luôn, thu lãi được gần 50 triệu đồng. Mặc dù mức lãi không lớn nhưng trong thời kỳ làm ăn khó khăn, việc đầu tư như vậy là có hiệu quả.

Suốt mấy tháng liền sau đó, bà Hạnh cố tìm mua căn nhà khác nhưng không thấy căn nào vừa ý vừa tiền. Mệt mỏi vì đi tìm nhà không thành, trong cơn sốt chứng khoán năm 2007, bà quyết định chuyển toàn bộ vốn sang mua cổ phiếu Ngân hàng Phương Nam (PNB), với mức giá 8 chấm (80.000 đồng/cổ phiếu). Nhưng thật không may, sau đó vì khủng hoảng kinh tế nên giá chứng khoán khắp thế giới lao dốc thảm hại và cổ phiếu PNB cũng chịu chung số phận. Quá nản lòng, bà Hạnh lại bán hết PNB với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, rồi lấy chút tiền “còm” gửi tiết kiệm.

Như vậy, do đầu tư sai thời điểm, vụ mua - bán cổ phiếu PNB đã làm cho bà Hạnh mất đứt hơn 80% vốn. Còn nếu so với căn nhà đã bán trước đây, hiện giá đã lên 2 tỉ đồng thì tính ra do chuyển kênh tùm lum nên sau một thời gian đầu tư, bà Hạnh đã mất gần hết vốn.

Lỗ cả vàng và cổ phiếu

Còn ông Nguyễn Tiến (cư ngụ tại phường Tân Quy, quận 7) cho biết trong năm vừa qua, khi thấy chứng khoán khởi sắc trở lại sau khủng hoảng, trong khi giá vàng đã lên hơn 21 triệu đồng/lượng (quá cao so với trước đây) nên ông Tiến quyết định mượn vàng của người thân để bán lấy tiền đầu tư cổ phiếu. Do thấy cổ phiếu của Ngân hàng Á Châu (ACB) ở mức giá 56.000 đồng (tháng 6-2009), ông Tiến cho rằng giá quá rẻ (vì trước đây mã này thường xuyên ở mức trên 150.000 đồng) nên ông đã chi hết số tiền bán vàng để mua cổ phiếu ACB với hy vọng sẽ thu lãi lớn.

Mặc dù ông Tiến mua cổ phiếu ACB với mức giá khá thấp nhưng cũng là mua ở vùng đỉnh nên từ đó đến nay chẳng những ông không lời được đồng nào mà còn lỗ nặng. Hiện tại ACB giá 34.800 đồng/cổ phiếu, so với khi mua, ông Tiến đã bị lỗ 21.200 đồng (gần 38%).

Trong khi đó, vì tỉ giá USD tăng mạnh, giá quốc tế leo thang nên giá vàng SJC cũng tiếp tục vọt lên (hiện ở mức hơn 26 triệu đồng/lượng). Như vậy, vì chuyển đổi kênh đầu tư không đúng lúc nên ông Tiến đang bị lỗ kép (giá cổ phiếu giảm và giá vàng lên). Nếu bây giờ bán cổ phiếu ACB để mua vàng trả nợ thì số tiền ông Tiến thu được chỉ đủ mua một nửa số vàng ban đầu (tức mất 50% vốn).

Lưu ý khi chuyển kênh

Vàng, cổ phiếu và bất động sản, mỗi kênh vận động  theo quy luật riêng của nó. Tại Việt Nam, bất động sản trong dài hạn (trên 5 năm) giá chỉ lên hiếm khi xuống. Nếu gặp khủng hoảng, giá thường chững lại (hoặc giảm một ít) trong một thời gian ngắn (dưới 12 tháng), sau đó lại tăng tiệm tiến hoặc đột biến. Bởi vậy, đại đa số người dân thích mua nhà đất để chờ thời. Tóm lại, nó là kênh đầu tư ít rủi ro (trừ khi bị giải tỏa, lừa đảo). Còn vàng, ngoài ảnh hưởng bởi quy luật cung - cầu, nó còn biến động theo giá thế giới và tỉ giá USD so với VNĐ. Thời gian gần đây do thị trường biến động thường xuyên nên rủi ro cũng luôn thường trực đối với người mua vàng. Còn cổ phiếu, nhiều cơ hội thu lãi cao nhưng cũng luôn ẩn chứa rủi ro lớn.

Theo lời khuyên của những chuyên gia đầu tư (thành công), mỗi người nên chọn cho mình một kênh đầu tư riêng biệt nhằm chuyên môn hóa để có kiến thức sâu và có điều kiện trải nghiệm thực tế. Còn khi muốn chuyển sang kênh khác, cần phải tìm hiểu kỹ thị trường trước khi quyết định. Việc chuyển kênh đầu tư sẽ thu lãi cao nếu biết thoái vốn (bán) đúng lúc ở kênh đang “sốt” và mua vào ở kênh đang “lạnh”, còn thực hiện ngược lại sẽ gánh chịu rủi ro.

Theo NLĐ
Cẩn trọng khi chuyển kênh đầu tư Cẩn trọng khi chuyển kênh đầu tư
9.25/10 353 bài đánh giá