Nhiều "cò" môi giới BĐS ở các trung tâm "ma" hiện nay hoạt động theo kiểu "lừa đảo giữa ban ngày" khiến người đi thuê nhà vô cùng bức xúc.
Giá nhà đất quá cao, vượt khả năng chi trả của đại bộ phận người làm công ăn lương tại Hà Nội đã khiến nhu cầu thuê nhà trở nên bức thiết hơn lúc nào hết. Đây là điều kiện tốt để vô khối những văn phòng, trung tâm môi giới nhà đất mọc lên như nấm.
Tại Hà Nội, những khu tập trung nhiều các trung tâm mô giới nhà đất nhất phải kể đến khu Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai...nơi tập trung một số lượng đông đảo sinh viên và người đi làm thuê trọ. Hầu hết các trung tâm này thường không có giấy phép kinh doanh, hoạt động chui, tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Cảnh giác cao...vẫn bị lừa đau
Chiêu thức quen thuộc được các trung tâm môi giới nhà đất sử dụng là dán tờ quảng cáo lên tường, đăng thông tin trên mạng (tại các trang rao vặt, quảng cáo miễn phí) với tần suất cao. Hầu hết các thông tin đưa lên đều giả mạo, trung tâm mô giới nhưng vẫn ngang nhiên rao vặt "cho thuê nhà chính chủ (miễn trung gian)"...căn nhà có 1 thì được hét lên thành 10, hoặc không có nhà nhưng vẫn đưa thông tin rất hấp dẫn nhằm câu kéo sự quan tâm của người đi thuê. Nhiều người dù đã cảnh giác nhưng cuối cùng vẫn bị mắc bẫy của "cò".
|
Ảnh minh họa |
Chị Hoa, nhân viên một ngân hàng tại Hà Nội, đã gặp phải tình huống "dở khóc dở cười" khi đi tìm nhà. Chị tìm trên mạng được một căn hộ ưng ý, gọi điện hỏi thì được biết chủ nhà đang có việc gấp nên cho thuê giá rẻ. Đi đến nơi theo đúng địa chỉ, gọi điện cho bên kia thì được trả lời "Chị đợi 1 chút, tôi đang về". Đợi gần 30 phút, thấy một người đàn ông chừng 40 tuổi đến hỏi "Chị muốn thuê nhà thì cho tôi 100.000 đồng tôi dẫn đi xem". Bực mình vừa mất việc vừa mất thời gian, chị đành mặc cả 50.000 đồng rồi đi theo "cò".
Đến nơi, đúng theo lời giới thiệu nhà 27m2x3 tầng nhưng căn nhà cũ kỹ ẩm thấp và tệ hại hơn mỗi tầng là một khu không ngăn phòng và chỉ có 1 nhà vệ sinh duy nhất ở tầng 1. Quá thất vọng vì biết mình bị lừa nhưng không làm gì được chị đành "ngậm bồ hoàn làm ngọt" quay về.
Chị Hiền, nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội, cũng đang có nhu cầu thuê một căn nhà riêng cho hai vợ chồng. Ngay từ đầu, chị đã xác định là không qua trung tâm mô giới bởi chị đã chứng kiến nhiều cảnh "tiền mất tật mang". Tìm hiểu khắp các trang rao vặt chị vẫn chưa tìm được căn hộ ưng ý. Đang trong tình cảnh mệt mỏi vì tìm nhà chị như vớ được cọc khi tìm thấy lời mời chào hấp dẫn: "Cho thuê nhà riêng chính chủ, diện tích 50m2x1 tầng, 2 triệu đồng/tháng khu Lò Đúc, liên hệ anh Dũng 09349275**".
Chị Hiền gọi điện lại để hỏi chắc chắc về giá cả và chủ nhà, bên kia khẳng định "Nhà chính chủ, chị ưng thì qua xem". Thấy bên kia không có vẻ mời chào thêm, chị yên tâm đấy là nhà chính chủ. Tuy nhiên, khi đến nơi chị mới tá hóa khi biết đó là trung tâm mô giới. Theo như trung tâm này, chị Hiền phải mất 200.000 đồng cho “cò” để được dẫn đi, còn sau khi thuê được nhà, chị phải mất thêm 50% tiền của một tháng trọ cho trung tâm.
Chị Mai anh cũng từng mắc phải tình huống tương chị chị Hiền. Chị Mai Anh cho biết, sau khi bị "mồi chài" đến trung tâm bằng chiêu "nhà chính chủ, giá rẻ", lúc về nhà chị gõ số điện thoại rao cho thuê nhà chính chủ trên mạng thì hàng loạt kết quả hiện lên, lúc cho thuê ngôi nhà ở Hoàng Mai, khi Đống Đa, Cầu Giấy...lúc lại bán nhà mà tất cả đều là "chính chủ miễn trung gian" và một số điện thoại nhưng được đổi thành hàng loạt cái tên khác nhau.
Nhiều văn phòng nhà đất đã dùng những "chiêu bẩn" như thế này để nhử khách đến, ép khách vào thế đã rồi. Hay một số văn phòng "treo đầu dê, bán thịt chó' rao trên mạng những căn nhà đẹp giá cả hợp lý để làm "mồi nhử", khi khách đến hỏi thì bảo căn đó vừa được thuê, rồi sẽ lái dẫn khách đi xem căn khác.
Khó xử lý trung tâm "ma"
Những sai phạm và phiền nhiễu mà các trung tâm mô giới nhà đất gây ra rất dễ nhận thấy, song việc xử lý các đối tượng này lại không hề dễ dàng. Bởi phần lớn các trung tâm đều không có giấy phép kinh doanh, thường hoạt động chui, tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, cơ sở hoạt động của các trung tâm thường vô cùng thô sơ, chỉ một hai nhân viên, vài chiếc máy tính, một số "Chân rết" xe ôm và hoạt động không cố định "nay đây mai đó". Khi có lực lượng chức năng đi kiểm tra các đối tượng này “giải tán” văn phòng nhanh chóng hoặc đóng cửa , khi lực lượng chức năng đi khỏi, lại hoạt động như thường.
Hiện nay, nhu cầu thuê nhà của người lao động tại thủ đô vô cùng lớn, những trung tâm nhà đất "ma" mọc lên như "nấm sau mưa" nếu không được quản lý và giải quyết triệt để sẽ gây ra nhiều phiền nhiễu cho xã hội. Hiện chưa có một cơ quan chức năng nào đứng ra quản lý chất lượng dịch vụ của những Trung tâm này.
Tại nước ngoài, các trung tâm môi giới nhà đất bị quản lý chặt chẽ về chất lượng, nếu khách hàng đi thuê phòng qua trung tâm chỉ cần bất cứ một sự cố gì liên quan đến vấn đề an ninh hay sự cố liên quan đến chất lượng căn phòng khách đang thuê thì trung tâm môi giới nhà đất sẽ đứng ra chịu trách nhiệm. Còn ở Việt Nam, nhiều khi khách hàng thấy mình bị lừa trắng trợn cũng không biết kêu ai. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn trong lĩnh vực này.
(Theo TTVN)