Cảnh giác với những chiêu góp vốn mua "vịt trời"

Năm 2008, ông Nguyễn Mạnh Cường ở Phú Nhuận, Tp.HCM nộp 540 triệu đồng cho Công ty cổ phần Đầu tư - xây dựng 135, trụ sở tại 31/21 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức để ký hợp đồng “Góp vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Vĩnh Phú II” nhận hai nền đất ở, hoàn chỉnh hạ tầng.
Tại Điều 3 của hợp đồng góp vốn nêu: “Dự kiến giao nền trong vòng 18 tháng kể từ ngày ký hợp đồng”. Đến nay, bốn năm trôi qua, một nền đất nằm trên bản đồ hoành tráng nhưng thực chất đang là ao rau muống, là đất của người dân; nền còn lại cũng chưa xong hạ tầng.

Vì sao chậm như vậy? Trong một văn bản vào tháng 7/2012, đại diện chủ đầu tư cũng thừa nhận: “Do điều kiện khách quan nên có một số hạng mục trong khu dân cư chưa hoàn thành được theo tiến độ; chưa xây dựng được cơ sở hạ tầng”. Hợp đồng bị phá vỡ, ông Cường đã nộp đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân quận Thủ Đức yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền, vốn cũng như lãi suất. Hồ sơ khởi kiện tòa đang thụ lý.

Lô đất ông Cường góp vốn tại KDC Vĩnh Phú II hiện là ao rau muống.

Chưa hết, cũng vào khoảng thời gian trên, tháng 1/2008, ông Cường lại tiếp tục ký hợp đồng y chang, đó là “Hợp đồng góp vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu dân cư trung tâm Bến Lức”, Long An với số tiền nộp ban đầu là 462 triệu đồng. Thời gian giao nền, điều 2 của hợp đồng ghi rõ: “dự kiến giao nền trong vòng 30 tháng kể từ ngày ký hợp đồng”.

Cùng chung cảnh ngộ, đến nay xác định của điện lực Bến Lức, Long An: “Tại vị trí nền hiện tại chủ đầu tư dự án chưa đầu tư kết cấu hạ tầng về điện”; còn xác nhận của Công ty cấp nước Long An ngày 16/8/2012 lại nêu: “Hiện tại chủ đầu tư dự án chưa liên hệ với công ty chúng tôi để đấu nối hệ thống cấp nước”. Tại thực địa, vị trí nền đất chỉ có một con đường chạy ngang, nằm kế bên là nhà dân chưa giải tỏa. Quá bức xúc trước việc chậm trễ của chủ đầu tư, ông Cường quyết định kiện lên tòa án để đòi lại tiền.

Câu chuyện trên cho thấy, rõ ràng chủ đầu tư không đủ năng lực để tiếp tục thực hiện dự án, dẫn đến dự án dở dang, không hoàn tất hạ tầng để giao nền cho khách hàng. Được biết, hiện nay có khá nhiều dự án triển khai dang dở, khách hàng bị mắc cạn, vì chủ đầu tư không có sản phẩm để bàn giao. Đây chính là hệ lụy từ việc phát triển “nóng” thị trường địa ốc vào thời điểm “sốt” đất cách nay 4 năm khi nhà nhà làm bất động sản.

Điều này cũng dễ hiểu vì sao mới đây các cơ quan chức năng tại Tp.HCM đề xuất thu hồi 193 dự án chậm triển khai. Có thể xuất phát từ kịch bản, đầu tiên chủ đầu tư “xin” dự án, sau đó chuyển nhượng dự án hoặc mượn đầu heo nấu cháo. Khi nền kinh tế rơi vào khó khăn, thị trường địa ốc đóng băng, địa ốc bán không ai mua thì lúc này “nước rặt mới biết cỏ úa”: dự án không triển khai, bỏ hoang hóa, chậm tiến độ, xuất phát từ một nguyên nhân: chủ đầu tư không đủ năng lực!

Do đó, đây chính là thời điểm “thanh lọc” thị trường, nhà nước thu hồi lại những dự án không triển khai, chậm tiến độ, là “của để dành” mai này, khi đó việc đấu giá sẽ tìm ra chủ đầu tư thực thụ, thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh.

(Theo SGGP)