Chủ phòng trọ tự quảng cáo
Hiện tại, số lượng thí sinh đổ về Tp.HCM chưa đông, nhưng tại các khu dân cư gần địa điểm thi các chủ nhà đã treo biển: “cho thí sinh thuê phòng trọ” ở khắp nơi.Nhiều gia đình không có phòng trọ nhưng cũng cố dành một phòng trống để cho thuê, tranh thủ kiếm thêm thu nhập. “Gia đình cô có một phòng trống ở được bốn người, cứ 250.000 đồng/người một đợt thi. Hiện đã có hai người đặt cọc rồi, giờ cho thêm hai người ở nữa, ai đặt cọc trước thì được, ai đến sau hết ráng chịu”, một chủ trọ trên đường Đặng Văn Bi (Bình Thọ, quận Thủ Đức) nói.
|
Những tờ giấy thông báo cho thuê phòng tuyển sinh được dán ở khắp nơi |
Trong vài ngày tới, lượng thí sinh vào thành phố sẽ rất đông, kí túc xá cũng chỉ đáp ứng được phần nhỏ. Vì vậy, nhiều sĩ tử sẽ phải tự tìm phòng trọ bên ngoài với bất cứ giá nào. Khi đó chủ trọ thoải mái tăng giá bao nhiêu tùy thích. “Một năm chỉ có mấy ngày nên phải biết tận dụng”, một chủ trọ có phòng trước khu vực trường ĐH KHTN (KP6, Linh Trung, quận Thủ Đức) nói.
Tại khu vực ĐH Quốc gia (KP6, Linh Trung, quận Thủ Đức) là nơi tập trung nhiều trường nhất thành phố, trong mùa thi này các chủ nhà trọ tìm đủ cách để kinh doanh triệt để những phòng trọ còn trống hoặc những phòng sinh viên về quê.
Đi một vòng xung quanh khu vực này, sẽ nhìn thấy vô số các tờ giấy dán cho thuê phòng: trên tường, cột điện, trước cửa nhà… kèm theo số điện thoại liên lạc và dĩ nhiên là họ không quên kèm theo mấy câu giới thiệu như: sạch sẽ, thoáng mát, an ninh, có quạt… và đặc biệt là giá cả phải chăng.
Tuy nhiên vấn đề giá cả tùy thuộc vào thuê một mình hay ở ghép sẽ có giá khác nhau. Một chủ nhà trọ ở khu vực này nói: “Chị cho thuê lại phòng với giá một triệu đồng từ 30/6 đến hết ngày thi khối A (tức ngày 5/7), thích ở một mình hay tìm thêm ai về ở thì tùy em. Phòng 20m2, em có thể ở được 5 người vẫn còn rộng”.
Việc các chủ nhà trọ lợi dụng thời gian này để ép thí sinh, đặc biệt là với các thí sinh đến từ tỉnh lẻ không phải là chuyện gì mới. Từ chuyện giá phòng cắt cổ, cho nhiều thí sinh ở chung phòng trọ có diện tích nhỏ, chật chội gây ảnh hưởng đến chuyện học và tâm lý thí sinh trong những mùa thi.
Tình nguyện kiếm nhà trọ giá rẻ - đuổi thẳng
Không chỉ chèn ép thí sinh, mà nhiều chủ trọ còn tỏa thái độ không vui khi sinh viên tình nguyện đến liên hệ phòng trọ cho các sĩ tử. Người lịch sự thì tìm cách đuổi khéo, nhưng cũng có người nói lời khó nghe và đuổi thẳng.Nhiệm vụ của những sinh viên tình nguyện là tìm được càng nhiều phòng trọ giá rẻ hoặc miễn phí càng tốt. Đặc biệt là các nhà trọ sạch sẽ, thoáng mát, thuận lợi cho sĩ tử yên tâm thi.
Tuy nhiên công việc tìm phòng trọ không hề đơn giản, những đội quân tình nguyện phải đi bộ cả chục cây số dưới cái nắng oi ả của ngày hè để mong tìm được phòng trọ, nhưng nhiệm vụ không phải lúc nào cũng được hoàn thành, nhiều bạn đi cả ngày và vẫn không tìm được một phòng trọ nào.
|
Sinh viên tình nguyện đang ghi thông tin của thí sinh |
“Mình cũng với một bạn nữa đi hết mấy con đường được đội phân công gần trường ĐH Công nghiệp, nhưng không tìm được một phòng trọ nào giá thích hợp cả. Đã vậy còn bị nhiều chủ nhà trả lời lạnh nhạt và bị đuổi thẳng khi chưa kịp giới thiệu xong”, Lê Thị Ngọc Anh, sinh viên tình nguyện tại trường ĐH Công nghiệp cho biết.
Không riêng gì Ngọc Anh, bạn Văn Bình (sinh viên tình nguyện Trường ĐH GTVT cơ sở 2) cũng dở khóc, dở cười khi tìm phòng trọ cho thí sinh.
“"Phòng trọ chỉ để cho sĩ tử thuê, không cho đứa tình nguyện thuê. Đi chỗ khác mà tìm, tôi không có thời gian tiếp mấy người”. Vừa dứt lời, bà chủ trọ đóng sầm cửa lại, không để cho bọn mình kịp nói câu nào" - Bình nói.
Rong ruổi khắp các con hẻm, bắt chấp nắng mưa, nơi nào có phòng trọ thì nơi đó in dấu của những sinh viên tình nguyện. Nhưng việc chủ trọ không muốn giúp đỡ sinh viên tiếp sức mùa thi cũng không phải là chuyện khó hiểu, đơn giản những sinh viên tình nguyện muốn tìm được những phòng trọ giá rẻ nhất cho các sĩ tử, nếu là miễn phí càng tốt.
Thế nhưng chủ trọ không thích, giá họ đã định ra nếu thuận thì thuê không thì thôi vì theo họ thì: “Trong mấy ngày thi phòng không ế đâu mà lo, không người này thì người khác, cần gì tình nguyện”.
(Theo Infonet)