Những lợi thế không thể phủ nhận khi mua nhà cũ

Có những lợi thế không thể phủ nhận được khi mua một ngôi nhà cũ so với một ngôi nhà, căn hộ chung cư mới, nhất là là khi mua để đầu tư, cho thuê.

Một thỏa thuận tốt hơn

Khi mua một ngôi nhà mới, nhất là căn hộ chung cư, bạn phải trả một cái giá khá cao vì giá trị căn nhà không chỉ thể hiện ở chi phí xây dựng chủ đầu tư bỏ ra mà còn có hàng loạt giá trị cộng gộp khác như: Chi phí quảng cáo để thông tin căn nhà đến với khách hàng tiềm năng, chi phí “chôn tiền” khi căn nhà một thời gian dài không bán được, lãi vay hằng tháng mà chủ đầu tư phải trả khi vay để xây dựng (nếu có vay), khoản lợi nhuận kỳ vọng…

Giá trị căn nhà là tất cả chi phí mà chủ đầu tư phải đối mặt cộng thêm phần lợi nhuận kỳ vọng, đó là khoản tiền mà bạn phải trả khi mua mới, trừ trường hợp bạn may mắn khi gặp được một căn nhà mới được chủ đầu tư bán lỗ vì lý do nào đó.

Trong khi nếu mua một ngôi nhà cũ thì bạn có nhiều cơ hội cho một thỏa thuận tốt về giá cả, có cơ hội chạm tới giá trị thực của tài sản và nhiều cơ hội có được lợi nhuận trong tương lai nếu nhìn thấy được các “lỗ hổng xấu” của căn nhà khiến nó bị mất điểm và tiềm năng phát triển của BĐS này một khi lỗ hổng ấy được lấp đầy.

Đầu tư vào nhà cũ có những lợi thế riêng cực kỳ hấp dẫn. Ảnh minh họa

Giá trị tăng lên

Khi bạn mua một ngôi nhà mới, mọi thứ sẽ đều mới từ trong ra ngoài, từ lớp sơn trên tường đến gạch lát sàn, tất cả rất đẹp và hấp dẫn. Tuy nhiên, có bao giờ bạn nghĩ đây là điểm bất lợi cho đầu tư?

Xét trên khía cạnh giá cả, có thể thấy được rằng đây là bất lợi về giá khi khách hàng đưa ra quyết định mua, vì chúng sẽ góp phần khiến giá cao lên. Đấy là chưa kể vấn đề khách hàng sẽ có những sở thích trong thiết kế, trang trí,… khác nhau.

Thế nhưng khi đầu tư mua một ngôi nhà cũ, việc đầu tư cơ bản sau đó như sửa chữa mái nhà, nhà vệ sinh, sàn nhà, sơn lại tường, làm sạch căn nhà… sẽ mang đến cho bạn giá trị gia tăng rất đáng kể so với chi phí bỏ ra.

Hơn nữa, nếu là đầu tư cho mục đích bán lại thì việc sửa chữa ấy mang đến cho ngôi nhà “bộ mặt mới” khi tiếp cận khách hàng mới, giúp nâng cao giá trị cho ngôi nhà so với ban đầu và giúp người mua tiếp theo cũng có thể sửa chữa theo ý muốn của họ mà không quá “tiếc” một lớp sơn mới hay sàn nhà mới khi phải phá bỏ cái cũ.

Có lợi thế trong đàm phán

Chắc chắn rằng, một chủ đầu tư sẽ không xây dựng một ngôi nhà mới để rồi bán lỗ, vì họ đã có những phép tính toán kỹ lưỡng và kiểm soát dòng tiền vững chắc. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực này thường rất dày dặn kinh nghiệm trong việc kinh doanh xây mới. Thường thì khi đàm phán mua bán với những chủ đầu tư như vậy, bạn không nắm được chút lợi thế nào cả.

Trái lại, khi đàm phán mua một ngôi nhà cũ, bạn sẽ dễ dàng hơn khi thương lượng vì chủ nhà có nhiều động cơ để bán, ví dụ như đang cần chuyển nơi ở, ly hôn, có vấn đề khó khăn tài chính với ngân hàng, gặp một số vấn đề cá nhân như sức khỏe,… Như vậy, bạn sẽ có cơ hội để khám phá “món hời” này và tiến đến một mức giá mua có lợi cho mình.

Điều tra thị trường dễ dàng

Giá trị nội tại của một tài sản được xác định bởi một loạt các yếu tố như: Vị trí, quy mô tài sản, lịch sử, thiết kế, cộng đồng địa phương, tiện ích chung, cơ sở hạ tầng khu vực, môi trường kinh tế, xã hội, giao thông,… Tất cả những yếu tố này tạo nên giá trị cho mọi phi vụ đầu tư BĐS.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất khi đầu tư vào BĐS là phải nắm bắt được thị trường mà tài sản bạn đang tồn tại, giúp bạn có những quyết định đúng đắn về thời điểm đầu tư và nhận định biến đổi của giá trị BĐS. Viễn cảnh ấy sẽ khó khăn nếu tài sản của bạn nằm trong những khu vực thị trường chưa trưởng thành, chẳng hạn như khu tái định cư, khu quy hoạch mới,…

Ở những khu vực này, tài sản mới khá phổ biến, vì thế nếu tài sản đầu tư của bạn nằm ở đây đồng nghĩa với việc bạn có ít dữ liệu lịch sử về giá cả và ít có BĐS để so sánh.

Trái lại, nếu đầu tư mua nhà cũ thì bạn không cần quá lo lắng về thông tin thị trường vì hầu như tất cả đều nằm tại những khu vực đã và đang phát triển lâu năm.