Rủi ro khi “bao thầu” phòng trọ

Để đỡ tiền thuê nhà, Nguyễn Thị Huyền Trang (25 tuổi, cựu sinh viên khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí – Tuyên truyền) học cách kinh doanh của một người bạn: Đi thuê nhà rồi cho thuê lại.

“Vỡ mộng” vì không có khách thuê

 

 

Gặp mẩu rao vặt trên mạng: “Nhà nằm trong ngõ 1, đường An Dương Vương (Tây Hồ, Hà Nội), 5 tầng, diện tích 60 m2, thiết kế đẹp mắt, không gian sạch sẽ và thoáng đãng. Nhà đã được chủ trang bị giường ghế, tủ gỗ, bếp ga, điều hòa, bình nóng lạnh….”, Trang liên hệ xem nhà và khá ưng ý.

 

Thế là cô bạn quyết định ký hợp đồng thuê nguyên căn nhà này, với giá 6 triệu đồng/tháng. Theo đó, Trang sẽ phải đặt cọc một tháng tiền thuê nhà và nộp ngay tiền thuê 3 tháng. Tổng số tiền ban đầu Trang phải bỏ ra là 24 triệu đồng.

 

Trong 4 phòng ngủ, Trang chọn cho mình một phòng để ở. Các tầng, các phòng còn lại được cô bạn phân chia như sau: Tầng 1 là nơi để xe. Tầng 2 là phòng khách. Tầng 5 là phòng thờ và sân phơi.

 

Một phòng ngủ tầng 3 diện tích 15 m2, đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt, giá cho thuê là 2 triệu đồng/tháng. Hai phòng ngủ tầng 4 thì một phòng diện tích 15 m2, giá thuê cho thuê là 1,7 triệu đồng/tháng, một phòng diện tích 18 m2, có ban công nhìn ra ngoài mặt tiền và có nơi để đồ riêng, giá cho thuê là 2,3 triệu đồng/tháng.

 

Hình ảnh mang tính minh họa.

Hình ảnh mang tính minh họa.
 

Trang bắt đầu hành trình đi tìm “khách hàng”. Cô bạn đăng tải thông tin lên Facebook cá nhân, các trang rao vặt về bất động sản, đồng thời in, dán tờ rơi. Rồi Trang phấn khởi khi bắt đầu nhận được điện thoại của mọi người gọi tới, hỏi về chuyện thuê phòng.

 

“Mặc dù mình đã ghi rõ là chỉ cho khách nữ thuê thế nhưng thực tế thì lại có khá nhiều các hộ gia đình có con nhỏ gọi điện tới. Mình không thể đồng ý cho thuê được, vì gia đình có cháu nhỏ sẽ khiến các phòng khác bị ảnh hưởng.

 

Nhiều trường hợp khác đến xem nhà thì là các đôi nam nữ yêu nhau, các cặp vợ chồng mới cưới. Vì thấy bất tiện trong sinh hoạt, rồi lo họ vi phạm an ninh, giờ giấc… nên mình cũng đành từ chối”, cô bạn kể.

 

Cũng có một số nữ sinh viên đến xem nhà nhưng không thể đóng một lúc 3 tháng tiền nhà nên đều bỏ cuộc. Mất một thời gian, Trang mới cho thuê được căn phòng 18 m2 trên tầng 4, với giá 2,3 triệu đồng/tháng. Ròng rã suốt 3 tháng sau, dù đã kiên trì đăng thông tin trên mạng nhưng Trang vẫn chưa thể có thêm khách hàng. Thế là thay vì được ở trọ miễn phí, một mình Trang phải “cõng” 3,7 triệu đồng tiền phòng còn lại.

 

“Âm” vốn khi khách dời đi

 

Thùy Linh (năm thứ ba, trường ĐH Thương mại) cũng chọn cách đi thuê nhà rồi cho thuê lại. Với khoản tiền gia đình “đầu tư”, Linh mạnh dạn thuê một căn nhà 4 tầng, rộng gần 80 m2 trên đường Cầu Giấy, với giá 7 triệu đồng/tháng, ký hợp đồng, thanh toán tiền nhà 3 tháng/lần.

 

Linh nhẩm tính, khi tất cả các phòng đều có người thuê, ngoài việc Linh được ở trọ miễn phí, mỗi tháng bạn còn có thể “đút túi” 700.000 đồng. Vì không quá khắt khe trong việc chọn khách thuê, người thuê chỉ phải đóng tiền nhà từng tháng một nên chỉ sau khi đăng thông tin thuê nhà lên mạng được 3 hôm, Linh đã có vị khách đầu tiên là một cặp vợ chồng có bé trai 7 tháng tuổi, thuê phòng rộng nhất ở tầng 2.

 

Sau đó, căn phòng nhỏ còn lại ở tầng 2 và một phòng ở tầng 3 cũng được lấp đầy. Mọi chuyện đang suôn sẻ thì rắc rối nảy sinh. Em bé của gia đình kia có tật quấy khóc vào giữa đêm nên khiến các phòng khác bị đánh thức, mất ngủ.

 

Cặp vợ chồng này lại có tính bừa bộn, đồ dùng gia đình “chiếm dụng” cả khu vực hành lang khiến những khách thuê khác khó chịu. Kết quả là ở được gần 2 tháng thì 2 phòng kia chuyển đi.

 

Thời điểm đó là giáp Tết, nhu cầu thuê trọ rất ít. Không tìm được khách thuê mới, Linh đành “cắn răng” chịu phí 2 phòng này trong tháng còn lại của hợp đồng. Tính ra, khi kết thúc hợp đồng, Linh lỗ vốn.

 

Theo Quỳnh Anh

Sinh viên Việt Nam

Rủi ro khi “bao thầu” phòng trọ Rủi ro khi “bao thầu” phòng trọ
7.51/10 382 bài đánh giá