Tất tần tật các bước bàn giao căn hộ bạn nên biết

>>> 10 xu hướng làm đẹp nhà cuối năm 2016 >>> Muốn trần nhà trông cao hơn, tham khảo ngay 7 bí quyết này >>> Bí quyết giúp vợ chồng trẻ nhanh chóng mua được nhà >>> Giấc mơ startup công nghệ của cựu Giám đốc ZingMp3 >>> Căn hộ Sunrise City ấn tượng với phong cách Warm Minimalist Để quá trình nhận bàn giao căn hộ diễn ra một cách tốt nhất, bạn cần phải chuẩn bị một số dụng cụ gồm: bút viết, tem niêm phong, bản vẽ mặt bằng căn hộ, thước dây, thước thủy ...

>>> 
>>> 
>>> 
>>>
>>>

Để quá trình nhận bàn giao diễn ra một cách tốt nhất, bạn cần phải chuẩn bị một số dụng cụ gồm: bút viết, tem niêm phong, bản vẽ mặt bằng căn hộ, thước dây, thước thủy (nếu có) bút thử điện, một cái chậu nhỏ (nếu có).

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, bây giờ bạn tiến hành kiểm tra tổng thể căn hộ khi nhận bàn giao, bao gồm các bước sau:

Bước 1: Kiểm tra tường và trần nhà

- Trước hết bạn kiểm tra độ phẳng của bề mặt tường bằng cách dùng thước nhôm áp lên tường và nhìn qua khe hở giữa thước và tường, nếu cẩn thận hơn bạn có thể tắt đèn và dùng đèn pin soi ngược lại xem ánh sáng có lọt ngược lại không. Chú ý kiểm tra mặt tường ở độ cao khoảng 1,5m đến 1,8m (chỗ giáp lai giữa hai tầm giáo) là hay bị lỗi nhất.


Kiểm tra tường và trần nhà là một bước cần thiết nên thực hiện trước khi nhận bàn giao căn hộ. Ảnh minh họa

- Sau khi đã kiểm tra độ phẳng, bạn bắt đầu kiểm tra màu sơn của tường, xem màu có đồng bộ hay bị loang lổ hay không, kiểm tra kỹ ở các vị trí gần công tắc, máy điều hòa, quạt gió…

Bước 2: Kiểm tra sàn gỗ, sàn gạch

Dựa vào phụ lục hợp đồng, bạn kiểm tra đối chiếu vật liệu ốp sàn có giống như chủ đầu tư nêu hay không.

Phần gạch ốp:

Bạn cần xem xét chủng loại, màu sắc, kích thước và nhãn hiệu của gạch, chú ý kiểm tra ở tất cả các phòng. Các mạch ốp phải thẳng, đều và sắc nét. Toàn bộ bề mặt kết cấu phải làm sạch vữa, bột chít mạch và các vết bẩn ố trên bề mặt ốp. Công tác kiểm tra chất lượng ốp tiến hành theo trình tự thi công và bao gồm các chỉ tiêu chính như sau:

+ Độ phẳng của mặt ốp – làm tương tự như kiểm tra tường.
+ Độ đặc chắc và bám dính của nền ốp với vật liệu ốp – gõ vào bề mặt gạch ốp.
+ Độ đồng đều của mặt ốp về màu sắc, hoa văn, các mạch ốp, chi tiết trang trí.
+ Đối với các phòng khác cũng kiểm tra tương tự, về độ phẳng, đồng đều màu sắc, không bị nứt, vỡ, các mạch gạch phải được đầy và cùng màu sàn gạch.


Khi nhận bàn giao , bạn nhớ kiểm tra sàn gỗ và sàn gạch

- Mặt ốp phải thoả mãn các yêu cầu:
+ Tổng thể mặt ốp phải đảm bảo đúng hình dáng, kích thước hình học theo yêu cầu của thiết kế.
+ Vật liệu ốp phải đúng quy cách về chủng loại, kích thước và màu sắc, không cong vênh, sứt mẻ, không có khuyết tật
+ Màu sắc của mặt ốp bằng vật liệu nhân tạo phải đồng nhất.
+ Các mạch ốp ngang dọc phải sắc nét, đều thẳng và đầy vữa.
+ Vữa trát trên kết cấu phải chắc đặc. Khi kiểm tra vỗ lên mặt ốp không có tiếng bộp. Những viên bị bộp và long chân phải tháo ra ốp lại.
+ Trên mặt ốp không được có vết nứt, vết ố do vữa, sơn, vôi hoặc do các loại hoá chất gây ra.
+ Khi kiểm tra bằng thước dài 2m đặt áp sát vào mặt ốp, khe hở giữa thước và mặt ốp không quá 2mm.

Phần sàn gỗ:

+ Màu sắc: đều màu, kiểm tra lớp phủ vân bề mặt, nếu xước, lỗi bắt thay.
+ Kiểm tra độ phẳng của sàn bằng thước nhôm, kết hợp đèn pin như kiểm tra tường, nếu không phẳng, yêu cầu sửa lại.
+ Kiểm tra các khe hở giữa 2 tấm gỗ (cần có tiêu chuẩn khe hở), nếu hở lớn, yêu cầu sửa lại.
+ Kiểm tra toàn bộ mặt sàn xem có chỗ nào phồng, rộp không (chú ý các góc nhà, cạnh tường và cửa toilet), nếu có lỗi, yêu cầu sửa.
+ Đi lại trên sàn phải không có tiếng cọt kẹt, cứ đi lại và nhún trên sàn thì sẽ phát hiện ra.
+ Kiểm tra nẹp chân tường: Phải đồng màu, chỗ nối đấu đầu nẹp chân tường phải phẳng, không cợp (vênh), không nhìn thấy nốt đinh trên mặt nẹp, các đoạn nối không được quá ngắn, phải > 1,5 – 2m cho mỗi đoạn, chỗ tiếp giáp giữa nẹp chận tường và sàn gỗ không được hở khe theo mặt bằng và mặt đứng. Nếu hở mặt bằng tức là sàn gỗ bị hụt, hở mặt đứng là nẹp chân tường bị lẹm hoặc cong.

Bước 3: Kiểm tra cửa gỗ, cửa nhôm kính, cửa kính bếp

- Đầu tiên là kiểm tra bản lề: đóng, mở, khóa vài lần nếu có thể, với cửa sổ thì mở đóng vài lần để kiểm tra độ trượt. Xem các đầu vít có bị toét không, bản lề không bị xước. Bản lề phải đục chìm vào trong khuôn, không lắp nổi trên mặt khuôn.

- Kiểm tra khóa cửa: Đóng cánh cửa, khóa phải dễ không bị kẹt. Thử tất cả các khoá không bị xiết, đút chìa rút chìa nhẹ nhàng. Sau khi đóng cửa cầm tay khóa, giật và đẩy nhẹ, nếu cánh bị lắc tức là đục khóa sai. Cánh cửa khi khóa có độ chặt vừa phải, cánh đục sai sẽ gây tiếng ốn nếu gió từ ban công vào.


Kiểm tra khóa cửa bằng cách đóng cánh cửa, khóa phải dễ không bị kẹt

- Kiểm tra số lượng chìa cho mỗi khóa: Tùy từng loại nhưng bình thường có 3 - 4 chìa cho mỗi ổ khóa, thử từng chìa cho mỗi ổ khóa, có thể kiểm tra nhanh bằng cách ướm các răng. Lấy băng dính giấy ghi lại dán lên chìa cho dễ tìm về sau. Thẻ từ (2 thẻ ) nếu có, chìa khóa hòm thư.

- Kiểm tra kích thước: Cánh cửa cách sàn tối đa 5mm, cách khuôn cửa tối đa 2mm, không được sát quá không là bị xệ, chạm đất và chạm khuôn.

- Đối với cửa nhôm kính: Phải không trầy xước, kéo ra nhẹ nhàng, silicon bơm mép kính và khung nhôm phải đều và bóng phẳng. Khóa cửa nhôm dùng tay giật và đẩy nhẹ, cánh không được rung lắc quá mạnh, khi kiểm tra thì kéo ra vào phải nhẹ, không kẹt, vấp và khi đóng toàn bộ nhìn khe giữa hai cánh cửa kính phải đều và cùng nằm trên mặt phẳng.

Bước 4 : Kiểm tra khu vực nhà vệ sinh

- Đầu tiên là kiểm tra hệ thống đường thoát nước chậu, mở vòi nước (cả nóng lạnh) cho gần đầy sau đó xả nước và quan sát. Nếu nước chậu thoát trước 1 phút thì chứng tỏ không bị tắc, cái nào thoát chậm phải xem lại. Kiểm tra xi phông xung quanh có bị thấm nước không.

- Giật nước bồn cầu và quan sát xem có bị thấm ra sàn không, mở nắp két nước ra quan sát xem van phao có hở không.

- Các thiết bị khác như sen, vòi, xịt kiểm tra tình trạng xem có hoạt động tốt không, tắt vòi nước còn rỉ ra không.

- Kiểm tra số lượng phễu thoát sàn: nguyên tắc tắm đứng riêng, sàn riêng.

- Kiểm tra có vòi xối để lấy nước lau nhà không.

- Kiểm tra vòi gật gù bếp, chậu rửa vệ sinh phải có nước, áp lực nước vừa phải, không bị cứng, không bị giật cục, có đường nóng – lạnh riêng, kiểm tra xi phông xung quanh.


Việc kiểm tra nhà vệ sinh rất quan trọng trong quy trình nhận bàn giao nhà. Ảnh minh họa

- Các điểm nối ống, chuyển ống, phễu lọc rác… không bị rò nước, không lung lay, khớp nối phải chặt và được chêm bằng băng keo ngành nước.

- Kiểm tra đường cấp nước, thoát nước cho máy giặt.

- Phần ốp lát, kiểm tra như phần lát gạch, riêng mặt đá kiểm tra các cạnh xem có nhẵn bóng không.

- Với vách kính tắm đứng đóng cửa lại, mở nước ra, phun nước lên các phần gioăng cửa xem có bị hở nhiều không, kiểm tra xem nước có bắn ra ngoài không, nước trên sàn có thoát kịp không. Kiểm tra silicon có được bắn gọn đẹp không lem nhem ra ngoài không. Kiểm tra gờ chặn nước phải cao 10mm. Nếu không đạt, yêu cầu sửa chữa.

- Cuối cùng với khu vệ sinh: Khi đảm bảo đã kiểm tra kỹ vệ sinh, thì hứng lấy một xô nước đầy, ra ngoài cửa và dội vào trong sàn vệ sinh, quan sát xem nước thoát thế nào, có bị đọng ở đâu không, nếu không đọng và thoát nhanh là ổn.

- Kiểm tra van tổng nước nóng, lạnh từ đồng hồ đo nước tại hộp KT hành lang. Đóng mở thử để đảm bảo van tổng cắt nước tốt, không bị hở, đồng hồ có phải đúng đồng hồ đo nước nhà mình không, hay bị đánh dấu nhầm. Yêu cầu cho biết đồng hồ nước có được kiểm định tại các cơ quan nhà nước không?

Bước 5: Kiểm tra tủ quần áo, tủ bếp, tủ gỗ lavabo

- Cánh tủ không được vênh, lưu ý cánh tủ quần áo rất dễ vênh (ngắm bằng mắt hoặc dùng thước nhôm), cánh mở ra đóng vào không bị chạm vào các cánh/kết cấu khác. Khi đóng các khe hở giữa các cánh, giữa cánh với cánh tủ phải đều, khe hở tối đa không quá 2mm.

- Các bản lề bật cho tủ bếp phải bắt chắc chắn và đầy đủ vít, với cánh có chiều cao <600 thì cần 2 bản lề cho mỗi cánh, lớn hơn phải có từ 3-4 bản lề/ cánh. Kiểm tra các ngăn kéo kéo ra nhẹ nhàng. Không tự trôi ra, các ruột ngăn kéo phải được phủ sơn. Cẩn thận nhấc hẳn ngăn kéo ra ngoài nhìn phía trong ruột tủ có sơn hay không.

- Mặt đá tủ bếp chỗ nối phải phẳng (kiểm tra bằng tay hoặc áp thước nhôm lên), các cạnh phải đánh bóng đều, không còn vết mài, chỗ đặt mặt chậu rửa tiếp xúc với mặt đá phải bơm silicon, vết bơm không được lem nhem. Tủ bếp, kệ bếp. Mở, đóng, kéo ra vài lần để kiểm tra độ khít của bản lề cửa và độ nhạy của hộc tủ.

Bước 6 : Kiểm tra các thiết bị điện, viễn thông, hệ thống van nước

- Kiểm tra tủ điện: Trong tủ điện thường có khoảng 11 cái attomat (tùy từng căn hộ):

+ Cái to nhất là attomat tổng là 63A (có thể nhỏ hơn với căn hộ hai phòng ngủ).
+ Các attomat điều hòa là 32A (tùy theo số lượng cục nóng).
+ Attomat bếp từ là 32A.
+ Attomat ổ cắm là 20A cho mỗi cặp hai ổ cắm.
+ Attomat đèn là 10A.
+ Các attomat phải ở tình trạng giật xuống là tắt, kéo lên là bật.

- Dùng bút thử điện kiểm tra ổ cắm, tắt toàn bộ attomat 20A trong tủ điện (giật xuống phía dưới) sau đó đi kiểm tra lại toàn bộ ổ bằng đèn ngủ. Tất cả các ổ phải mất điện khi tắt at 20A trừ bếp từ, nếu có ổ nào có điện tức là đấu nhầm.

- Kiểm tra quạt gió vệ sinh, máy hút mùi.

- Tắt mở công tắc kiểm tra bóng đèn, yêu cầu sáng đều không bị nháy.

- Kiểm tra bếp điện. Đối với bếp điện, bật bếp lên phải có ánh đỏ và toả hơi nóng trong vòng vài giây. Đối với bếp từ, dùng nồi nấu nước thử xem nước nóng nhanh hay chậm.

- Dùng bút thử kiểm tra rò điện. Nên kiểm ngẫu hứng trên tường, khu xung quanh công tắc và ổ điện.

- Kiểm tra luôn ổ cắm Internet và TV (các ổ cắm này sẽ được lắp đặt tại khu vực phòng khách và phòng ngủ, thường nằm cạnh ngay ổ cắm điện).


Kiểm tra thật kỹ hệ thống điện và nước. Ảnh minh họa

- Kiểm tra hệ thống nước:

Hệ thống nước trong một căn hộ thường được chia ra làm 2 khu vực: Khu vực vệ sinh và khu vực bếp. Các khu vực này đều có van khóa, mở riêng biệt được đặt ngay trong căn hộ. Van khóa vòi nước khu vực bếp và máy giặt thường nằm ngay dưới hộc tủ của chậu rửa hoặc ngoài lô gia (sân phơi chỗ để máy giặt). Van khóa khu vực nhà vệ sinh thường nằm ở dưới góc tường ngay trong nhà vệ sinh tùy căn hộ sẽ nằm dưới chậu rửa hoặc chỗ khu vực vòi hoa sen. Van khóa tổng vào căn hộ thường nằm trên trần la phông tại nhà vệ sinh.

+ Đường dây nước nóng thường là loại trực tiếp.

+ Đường ống sử dụng vòi nước rửa chén và máy giặt thường là chung một ống nên lưu ý khi khóa van lắp máy giặt thì vòi nước rửa chén không sử dụng được.

Bước 7. Kiểm tra ban công

- Kiểm tra lan can sắt đã sơn chưa có chỗ nào mài chưa hết còn sắc hay nhọn không.

- Đóng cửa kính, rồi lấy vài xô nước hắt thẳng vào cửa để kiểm tra độ kín, chú ý các khe tiếp giáp giữa khung và tường. Dội xuống sàn lô gia kiểm tra thoát nước.

- Cửa kỹ thuật mở vào chỗ cục nóng phải mở ra được nhẹ nhàng.

- Phải đảm bảo có phễu thoát nước riêng ở cả 2 khu Lô gia và phòng giặt phơi, riêng biệt với phễu thoát nước máy giặt.

Bước 8. Đo diện tích căn hộ


Đo lại diện tích căn hộ để xem có khớp với diện tích ghi trong bản vẽ không. Ảnh minh họa

- BDD sẽ cung cấp bản vẽ với các kích thước cần đo được đánh ký hiệu. Kèm theo file excel cho đúng loại căn hộ của cư dân.

- Bạn tiến hành đo theo các kích thước yêu cầu trên bản vẽ, có thể điền trực tiếp vào file để tham khảo tại chỗ nếu có máy tính. Tốt nhất nên làm khi về nhà, phần diện tích có thể được đưa ra sau, có thể nhờ kiểm tra lại cách tính. Quan trọng là chốt các số liệu kích thước đo với chủ đầu tư.

- Bản vẽ nên được in hoặc copy ra giấy A3 làm nhiều bản để dễ nhìn, đánh dấu các vị trí yêu cầu sửa chữa, có thể chuyển cho chủ đầu tư 1 bản đánh dấu các vị trí cần sửa cho chính xác.

Bước cuối cùng: Ký biên bản nhận bàn giao căn hộ

Nếu tất cả các hệ thống điện nước và các thiết bị trong nhà đều ổn thì bạn tiến hành kí nghiệm thu nhận nhà và sử dụng tem niêm phong khi khóa căn hộ lại. Lưu ý nhớ đóng tất cả các cửa, tắt các CB tại bảng điện trung tâm, khóa cửa ban công lại ra cửa yêu cầu kiểm tra khóa cửa chính và yêu cầu bàn giao các loại remote và chìa khóa. Nên reset lại mã và đặt mã mới, mời hết mọi người ra ngoài và dán niêm phong lại (yêu cầu cả hai bên ký vào). Trước khi bạn đi về đừng quên yêu cầu bàn giao các chỉ số đồng hồ điện, nước tại thời điểm bàn giao.

Cuối cùng là làm việc với đơn vị ban quản lý để tiến hành khai báo chủ sở hữu căn hộ, đăng kí thẻ xe, điện, nước, Internet, truyền hình cáp, làm KT3, sửa chữa căn hộ… Chúc các bạn thành công.

Tổng hợp

>>> 
>>> 
>>>