1. Vị trí mặt bằng cho thuê mở cửa hàng
Trước khi tìm mặt bằng cho thuê, phải xác định được:
- Hai yếu tố quan trọng trong kinh doanh đó là: Kinh doanh sản phẩm gì? Khách hàng là ai?
- Lựa chọn mặt bằng kinh doanh phù hợp với khách hàng mục tiêu và sản phẩm kinh doanh
Nhiều người vẫn thường nghĩ rằng: “Tìm mặt bằng đẹp, thoáng, gần trung tâm là tốt nhất”. Đây là quan điểm đúng, nhưng cũng là quan điểm sai
- Đúng bởi đối với một mặt bằng đẹp, kinh doanh may mắn thì sẽ “buôn may bán đắt”.
- Sai bởi mặt bằng kinh doanh đẹp sẽ đi kèm với chi phí cao, nhưng chưa chắc phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu.
Thuê mặt bằng cửa hàng phù hợp với khách hàng và sản phẩm - tại sao?
- Nếu sản phẩm kinh doanh (ví dụ quán cà phê, văn phòng phẩm…) dành cho học sinh sinh viên, thì không thể mở mặt bằng ở nơi chỉ có nhân viên văn phòng hoặc nhiều người nước ngoài.
- Kinh doanh một cửa hàng quán ăn hướng tới khách hàng là nhân viên văn phòng. Thì cần phải tìm thuê mặt bằng cửa hàng kinh doanh ở những nơi có nhiều văn phòng, công ty.
Điều quan trọng nhất khi kinh doanh bất kỳ sản phẩm gì, nhiều vốn hay ít vốn, đều cần phải ưu tiên xác định rõ sản phẩm kinh doanh và khách hàng mục tiêu, sau đó mới tiến hành tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp.
Thuê mặt bằng kinh doanh - làm sao để tốt?
Tóm lại, thuê mặt bằng kinh doanh tốt, phù hợp là nơi phải hội tụ đủ các yếu tố sau:
- Tìm địa điểm phù hợp với sản phẩm và khách hàng
- Vừa để giúp tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng.
- Nơi khách hàng tiềm năng hay tập trung nhất.
Mặt bằng thuê cửa hàng phù hợp với khách hàng tiềm năng và sản phẩm kinh doanh
2. Thỏa thuận thời hạn thuê cửa hàng
Không phải ngẫu nhiên mà thời gian thuê mặt bằng cửa hàng là vấn đề cần phải xem xét kỹ khi kinh doanh.
- Thời gian thuê mặt bằng cửa hàng quá ngắn, không phù hợp với sản phẩm có chu kỳ dài, hoặc có ý định kinh doanh lâu dài thì phải thỏa thuận về thời gian thuê mặt bằng hoặc tìm một mặt bằng khác đáp ứng thời hạn dài hơn.
- Thời gian thuê tối đa quá dài, trong trường hợp kinh doanh không tốt, muốn phá hợp đồng phải đền bù chi phí phạt.
Theo những người có kinh nghiệm, thời hạn thuê mặt bằng cửa hàng cần phù hợp với các tiêu chí:
- Các mốc cơ bản của dự án kinh doanh:
- Thời điểm hòa vốn là mấy năm.
- Sinh lời bắt đầu từ năm thứ mấy.
- Chu kỳ sản phẩm
- Sản phẩm có chu kỳ ngắn: Dịch vụ ăn uống, thời trang, thực phẩm, hàng tiêu dùng…
- Sản phẩm có chu kỳ dài: Trang sức, đồ gỗ, nội thất, ...
- Mục tiêu kinh doanh và số vốn kinh doanh
3. Giấy tờ chuyển nhượng thuê mặt bằng
Khi kinh doanh mọi vấn đề đều liên quan đến pháp lý, nếu có sự sai phạm xảy ra thì phải dựa trên quy định của pháp luật mà xử lý. Vì vậy, cần tìm hiểu kĩ:
- Mặt bằng cho thuê có nằm trong khu quy hoạch, giải tỏa hay không?
- Ai là chủ mặt bằng? Đây là mặt bằng chính chủ hay dạng mặt bằng thuê - cho thuê lại?
- Người kinh doanh trước đã thuê mặt bằng này là ai? Kinh doanh sản phẩm gì? Vì sao không thuê mặt bằng này nữa?
Cần nắm rõ các giấy tờ liên quan khi đi thuê mặt bằng, kiểm tra giấy tờ của mặt bằng mà chủ mặt bằng giao ra có hợp pháp và đầy đủ hay không.
Cần phải đảm bảo thực hiện việc sang nhượng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Nghiên cứu các loại giấy tờ hồ sơ, tài liệu chứng thực sự tồn tại của mặt bằng, của chủ sở hữu của mặt bằng, tránh việc sang nhượng mặt bằng kinh doanh không chính chủ hoặc cho sang nhượng cho nhiều người cùng một lúc.
Chẳng hạn như mặt bằng sang nhượng lại là một quán ăn, bạn cần xem xét rằng mặt bằng cửa hàng đó được đăng ký theo hình thức nào: Hộ kinh doanh cá thể hay doanh nghiệp tư nhân, công ty… Việc này giúp xác định được đối tượng chuyển nhượng và thực hiện các thủ tục theo quy định của hình thức kinh doanh đó.
4. Hợp đồng mặt bằng cho thuê
Hợp đồng không chỉ là sự ràng buộc hai bên thuê và cho thuê. Mà còn liên quan tới vấn đề pháp lý. Chính vì vậy, khi kí hợp đồng thuê nhà bạn phải tìm hiểu kỹ về:
- Các giấy tờ liên quan bắt-buộc-phải-có.
- Các điều khoản về quyền lợi và nghĩa vụ của bên thuê và bên cho thuê.
- Các thông tin cơ bản trong hợp đồng: Vấn đề diện tích mặt bằng, giá cả (đặt cọc bao nhiêu, chi phí thuê mỗi đợt bao nhiêu, đóng theo quý hay theo năm, …), chủ mặt bằng là ai?...
- Các ràng buộc và cam kết: Trong quá trình thuê có tăng giá đột xuất hay không, vấn đề đền bù hợp đồng khi cắt hợp đồng đột ngột, cam kết về vấn đề tài sản (trong hợp đồng thuê mặt bằng cần phải liệt kê chi tiết, đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, máy móc, tên thương hiệu, màu sắc, tình trạng…), vấn đề tu sửa cửa hàng, ai sẽ là người đóng thuế mặt bằng, tiền điện nước (nếu chủ ở còn ở chung).
- Các vấn đề phát sinh bất ngờ ảnh hưởng đến kinh doanh như: Trong quá trình thuê nếu tuyến đường phải rào chắn, đào hố thì có giảm chi phí thuê mặt bằng không?...