Ngàn lẻ một chuyện xóm trọ sinh viên

Với mỗi sinh viên, ngoài mối bận tâm về học tập, sinh hoạt, làm thêm… thì những rắc rối xoay quanh việc thuê nhà trọ chưa bao giờ hết chuyện để nói.

Kỳ 1: Sinh viên sống cùng “núi rác”

Những dãy nhà trọ dành cho sinh viên thường hôi hám, ẩm thấp, mất vệ sinh vẫn tồn tại như một phần tất yếu trong đời sống của họ. Điều đáng nói là sinh viên xóm trọ thản nhiên với cuộc sống bốc mùi thay vì tích cực dọn dẹp, cải tạo. Thậm chí, họ coi việc luộm thuộm, vứt rác tràn lan là thói quen... bình thường, “không bẩn không phải là... sinh viên”.

Nhà trọ xuống cấp, bẩn thỉu

Trừ những sinh viên nhà giàu thuê trọ tại các khu chung cư đắt tiền hay những bạn may mắn có “suất” ở trong ký túc xá, xóm trọ sinh viên thường là những dãy nhà cấp bốn lụp xụp, ẩm thấp, khu vệ sinh công cộng tạm bợ, bẩn thỉu. Với mức giá nhà trọ khoảng 1- 2 triệu đồng/tháng, các sinh viên chỉ được ở trong những căn phòng cũ kỹ 15m2.

 Cảnh nhà trọ xuống cấp, nhếch nhác tại khu vực Đê La Thành, Hà Nội

Cảnh nhà trọ xuống cấp, nhếch nhác tại khu vực Đê La Thành, Hà Nội

Dạo quanh một số khu trọ gần các cổng trường đại học, PV giật mình khi chứng kiến nhiều khu nhà, tường đã bong tróc, lộ ra lớp vữa xi măng, trần nhà lợp bằng mái tôn, căn phòng xộc một mùi ẩm mốc khó chịu. Nhà vệ sinh chật chội, sú uế.

Điều đáng nói, dù khu trọ có ẩm thấp, hôi thối nhưng vẫn đắt khách trọ sinh viên. Mối quan tâm lớn nhất của các tân sinh viên là tìm được nhà trọ gần trường, tiện cho việc học tập và có mức giá “vừa túi” nhất.

Em Nguyễn Thị Hương, SV năm nhất trường Cao đẳng Du Lịch, cho biết: “Em đi tìm phòng suốt mấy hôm nay mới thuê được phòng này. Mới đầu bước chân vào xóm trọ em thấy sợ, quần áo phơi kín lối đi, mùi cống xộc lên. Mở phòng, vôi trên tường có thể rơi vào mặt bất cứ lúc nào. Nhìn thấy mà sợ, không hiểu sinh hoạt thế nào nhưng những phòng như thế lại có mức giá rẻ chỉ từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/tháng, lại ngay gần trường.

Thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung

Mặc dù hầu hết những xóm trọ đều có nội quy rõ ràng về việc chấp hành vệ sinh chung, nhưng có những nơi sinh viên chẳng chấp hành, họ ỷ lại và gây ra tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng. Dễ dàng để bắt gặp những hình ảnh sinh viên ngày ngày sinh hoạt trong môi trường mất vệ sinh: rác thải chất đầy, hôi thối bốc lên từ nơi ở, rau - cơm thừa vứt bừa bãi trong khu trọ…

Bạn Mai Chi, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn chia sẻ “Tháng đầu ở xóm trọ, em choáng váng vì chuyện sinh hoạt mất vệ sinh của các bạn trong dãy trọ. Cả phòng trọ ngập trong “núi rác”, những túi rác vứt ngổn ngang đứng chờ chắn lối đi, canh cháo họ đổ không để vào nilon mà vứt lênh láng, ruồi nhặng, chuột bọ lúc nhúc tứ tung đến ghê người, bể nước xanh đỏ mốc meo lên, chật chội. Lâu dần, em cũng quen với “núi rác” đó, thậm chí nhiều khi lười mang rác ra ngõ đổ, em vứt ngay trong sân chung của xóm trọ”.

Lên thăm con trai ở trọ ở khu vực Chùa Láng, chị Nguyễn Thị Tú (Nam Định) hoảng hốt vì không khí ngột ngạt, chật chội, mùi ẩm mốc, mùi thuốc lá nồng nặc, trên bàn học và sàn nhà vương vãi tàn cùng nhiều mẩu thuốc lá hút dở. Chị Tú phải bỏ ra cả một ngày để dọn dẹp rác thải quanh xóm trọ, vậy mà vẫn bị cậu con trai mắng là “hâm”.

Chị tâm sự “Các cháu quen ở nhà bố mẹ chiều, chỉ tập trung học hành, không phải làm việc nhà. Ở xóm trọ chung, ai cũng luộm thuộm, bẩn thỉu nên sống quen rồi. Tuy nhiên, sinh hoạt mất vệ sinh như vậy, đến khi bị bệnh, các cháu mới thấy hậu quả”.

(còn nữa)

Theo Phương Thu

Tuổi trẻ thủ đô