Thẩm quyền công chứng hợp đồng thuê nhà?

Dân trí Mình thuê nhà ở của ông nội, ông và mình ở tại địa phương A, nhà ở tại địa phương B, mình nhờ địa phương A chứng thực hợp đồng. Vậy có giá trị pháp lý không? (Văn Công Sơn, email: sonvancong@yahoo.com.vn)

Trả lời:

Tại Điều 492 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS) quy định về hình thức hợp đồng thuê nhà ở: “Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Vì bạn không nói cụ thể, bạn thuê nhà của ông trong thời gian bao lâu, theo quy định nêu trên thì nếu thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tại Điều 37 Luật Công chứng năm 2007 quy định: “Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở”

Tại Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP về chứng thực bản sao và chữ ký,có quy định: “1. Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Phòng Tư pháp cấp huyện) có thẩm quyền và trách nhiệm:

a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài;

b) Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giầy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài;

Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực các việc theo quy định tại khoản 1 Điều này và đóng dấu của Phòng Tư pháp.

2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:

a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt;

b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.

Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chứng thực các việc theo quy định tại khoản 2 Điều này và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì đối với hợp đồng cho thuê nhà ở trên sáu tháng, các bên phải đi công chứng. Thẩm quyền chứng nhận hợp đồng về nhà ở thuộc về công chứng viên của các tổ chức hành nghề công chứng tại địa bàn nơi có nhà ở cho thuê.

Vì bạn không cung cấp đầy đủ địa phương A và B có cùng huyện, tỉnh hay ở hai tỉnh khác nhau, nên chúng tôi giả định như sau: nếu trong cùng một huyện, hoặc cùng tỉnh thì có thể công chứng hợp đồng thuê nhà ở tại phòng công chứng thuộc địa phương A hoặc B, còn nếu A và B là hai tỉnh khác nhau thì chỉ có thể công chứng tại phòng công chứng thuộc địa phương B - nơi có nhà cho thuê . Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ có thẩm quyền chứng thực bản sao hoặc chứng thực chữ ký mà thôi. Do vậy. muốn làm thủ tục thuê nhà ở, bạn phải đến Phòng công chứng nơi có nhà ở cho thuê để làm thủ tục thuê nhà ở.

Luật sư Vũ Thị Hiên

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

Hot-line: 093 366 8166

Email: info@luatdaiviet.vn

Website: http://www.luatdaiviet.vn

Ban Bạn đọc