5 khuyến cáo để tránh mất tiền khi góp vốn đầu tư nhà đất

Theo ghi nhận, những vụ tranh chấp đất đai gần đây, khi bên mua phải chịu rủi ro thậm chí mất trắng chủ yếu thuộc nhóm hợp đồng góp vốn, thỏa thuận đầu tư, hợp tác đầu tư...

Trước tình trạng nhiều khách hàng bị mất tiền hoặc chôn vốn hàng chục năm bởi loại hợp đồng này, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư Phú Vinh cho biết, những loại hợp đồng góp vốn, thỏa thuận hợp tác đầu tư về bản chất chỉ là hình thức huy động vốn. Với hợp đồng góp vốn, vị thế của người mua có vẻ ngang hàng với chủ đầu tư (đều cùng góp tiền đầu tư) nhưng trên thực tế, quyền lợi của khách hàng rất hạn chế và không được đảm bảo.

Theo ông Chánh, mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ hợp đồng góp vốn, thỏa thuận đầu tư, hợp tác đầu tư không phải là hợp đồng mua bán. Sản phẩm cuối cùng mà khách hàng nhận được thường không hoàn chỉnh và còn phụ thuộc rất nhiều vào thời cuộc, chính sách, sự thay đổi pháp lý.

Cũng trong loại hợp đồng góp vốn, cam kết bồi thường thậm chí không có hoặc có nhưng chỉ ở mức tượng trưng và hoàn vốn mà không tính đến chi phí cơ hội và trượt giá.

Ông Chánh đưa ra 5 khuyến cáo để giúp khách hàng tự bảo vệ mình trước những rủi ro của loại hợp đồng này:

Thứ nhất: Không góp vốn vào nhà đất bất ổn về mặt pháp lý. Khi ký hợp đồng góp vốn, khách hàng có quyền yêu cầu hồ sơ pháp lý dự án phải hoàn chỉnh. Bên mua cũng nên tìm hiểu và chất vấn chủ đầu tư mọi điều về sản phẩm, các bước tiến hành thủ tục pháp lý. Quan trọng nhất là chủ đầu tư phải minh bạch tất cả những tình huống có thể xảy ra.

Một cơ sở quan trọng để quyết định có theo đuổi suất đầu tư này hay không chính là thời gian hoàn thành pháp lý dự án. Việc liệt kê trình tự thực hiện dự án giúp khách hàng có lộ trình để chuẩn bị dòng tiền, từ đó cân nhắc thấu đáo và tỉnh táo khi bị môi giới lôi kéo.

Một dự án bán đất nền bằng hợp đồng góp vốn đang xảy ra tranh chấp có thể
khiến người mua lỗ 30-60 cây vàng khi chủ đầu tư phá vỡ hợp đồng. Ảnh: Vũ Lê

Thứ hai: Không đặt kỳ vọng lợi nhuận khủng. Nguyên tắc vàng khi đầu tư là lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Do đó, hàng rẻ thường có vấn đề hoặc ẩn số gì đó, sản phẩm càng hấp dẫn thì càng cần thận trọng.

Thứ ba: Đọc kỹ điều khoản bồi thường. So với hợp đồng mua bán, cam kết bồi thường trong hợp đồng góp vốn thường không cao, chỉ ở mức tượng trưng và hoàn vốn, thậm chí không có bồi thường. Do đó, khách mua cần đọc kỹ điều khoản bồi thường và yêu cầu chủ đầu tư giải thích cụ thể từng câu chữ. Nếu thấy điểm bất thường, hãy đề nghị điều chỉnh hoặc đàm phán mức bồi thường hợp lý hơn.

Thứ tư: Dự phòng kế hoạch B. Với các hợp đồng góp vốn, nếu tin hoàn toàn vào kế hoạch A, khách mua dễ bị thua lỗ nặng nếu dự tính không thành. Do đó, khách hàng, nhà đầu tư cần tính thêm kế hoạch B để dự phòng đường lui khi điều kiện bất khả kháng xảy ra. Để đảm bảo an toàn khi đầu tư bằng hợp đồng góp vốn, điều quan trọng là chuẩn bị chu đáo cho tình huống thất bại.

Thứ năm: Ký kết với chủ đầu tư uy tín. Khách hàng nên ký hợp đồng với chủ đầu tư có tên tuổi, thương hiệu. Với chủ đầu tư mới, khách mua nên tìm hiểu về lịch sử và quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Với những đơn vị từng dính đến các vụ bê bối, tố cáo, khách hàng càng nên đặt dấu hỏi về chữ tín. Hoặc nếu thận trọng hơn, khách hàng có thể tham vấn các chuyên gia đầu ngành trước khi xuống tiền.