Là tập đoàn khởi nghiệp có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn trên thế giới theo đánh giá của startupranking.com và nhiều website khác, thế nhưng cho đến nay thương hiệu Airbnb có vẻ như chưa được nhiều người Việt Nam biết đến. Ðược B.Chesky (B.Che-xki) và đồng sự sáng lập từ năm 2006, nhưng phải mất hai năm, Airbnb mới bắt đầu được biết đến rộng rãi ở San Francisco (Xan Phran-xi-xcô), Mỹ. Chen chân vào lĩnh vực kinh doanh khách sạn tưởng chừng đã bão hòa, Airbnb vẫn tìm ra thị trường "ngách" cho riêng mình khi cung cấp một sàn giao dịch trực tuyến cho những cá nhân, gia đình, khách du lịch có nhu cầu thuê và cho thuê phòng, căn hộ, nhà ở chưa có nhu cầu sử dụng trong thời gian ngắn. Hiểu một cách đơn giản, Airbnb là dịch vụ môi giới "nhà trọ trực tuyến". Với hình thức kinh doanh như thế, từ một công ty khởi nghiệp nhỏ bé, Airbnb đã vươn tầm để trở thành một tập đoàn khổng lồ với hơn 3.000 người lao động, cung ứng dịch vụ cho 150 triệu người sử dụng trên toàn thế giới. Có mặt tại Việt Nam cùng thời điểm năm 2014 với hai tập đoàn khởi nghiệp đình đám là Uber và Grab, Airbnb dù không đưa ra chiến lược truyền thông ồn ào, nhưng vẫn có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. Theo khảo sát của website Airdna.co, từ đầu năm 2017 đến nay, ở TP Hồ Chí Minh có 7.049 "chủ nhà" (host) đăng ký sử dụng dịch vụ Airbnb. Mạng lưới người cung cấp dịch vụ Airbnb tại Hà Nội lên đến 4.245 cơ sở. So với thống kê cùng kỳ trong năm 2016, số lượng chủ nhà cung cấp dịch vụ Airbnb tại hai thành phố lớn của Việt Nam đã tăng gấp đôi. Ðó là chưa kể số lượng phòng, căn hộ, nhà cho thuê trên Airbnb tại các thành phố khác. Kết quả nói trên cho thấy, khả năng cung ứng phòng ở của Airbnb không kém bất kỳ hệ thống khách sạn nào trong cả nước, dù trên thực tế đơn vị này chưa mất một đồng vốn để đầu tư và phát triển hệ thống bất động sản Việt Nam. Không chỉ cung cấp dịch vụ thuê nhà, Airbnb còn cho phép các chủ nhà đăng tải quảng cáo nhiều "dịch vụ trải nghiệm" như một tua du lịch đích thực. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, với một đất nước còn nhiều tiềm năng về bất động sản và du lịch như Việt Nam, Airbnb đang trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các dịch vụ khách sạn, lữ hành quốc tế trong nước. Tốc độ phát triển phi mã của Airbnb khiến nhiều người phải bất ngờ, nhất là khi nhiều chủ tài khoản Airbnb không cần làm gì vẫn… có tiền hoa hồng. Theo quảng cáo của hãng này, người đăng ký dịch vụ Airbnb từ các đường link chia sẻ trên mạng sẽ có ngay 516.000 đồng trong tài khoản. Tương tự, người chia sẻ đường link trên cũng nhận được 341.513 đồng từ Airbnb khi tài khoản mới chi tiêu từ 1,7 triệu đồng trở lên. Airbnb còn có nhiều chính sách ưu đãi đối với "chủ nhà" và khách du lịch mà các đối thủ chỉ biết lắc đầu bó tay. Theo một số nhà phân tích, Airbnb và nhiều tập đoàn cung ứng dịch vụ môi giới khác đang tạo ra một bong bóng khổng lồ có thể vỡ bất cứ lúc nào trên thị trường hiện nay. Nghi vấn này hoàn toàn có cơ sở, vì từ trước đến nay, rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã được thổi phồng giá trị và lờ đi các khoản thua lỗ, nguồn tiền cho vay khổng lồ từ các nhà đầu tư. Mới đây, theo thông báo từ Grab Việt Nam, công ty này lỗ tới 443 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo tài chính của Uber thừa nhận trong năm 2016 tập đoàn này lỗ tới 3 tỷ USD trên toàn thế giới. Chiến lược kinh doanh này đang đặt ra nghi vấn cho rằng một số tập đoàn không hướng tới mục tiêu lợi nhuận, thay vào đó bằng nguồn lực tài chính dồi dào, họ dường như đang hướng tới việc triệt tiêu các dịch vụ, công việc truyền thống? Ðây cũng là một trong các nguyên nhân khiến nhiều dịch vụ môi giới trực tuyến hiện nay đang đối diện làn sóng tẩy chay tại một số quốc gia. Với khẩu hiệu "đặt trước những căn hộ độc đáo và trải nghiệm thành phố như người bản địa", mục tiêu ban đầu của Airbnb hướng đến các khách du lịch "ba lô" có kinh phí hạn hẹp cùng các gia đình có nhu cầu cho thuê lại phòng thừa. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả tích cực dường như các chính sách có phần "lỏng lẻo" của Airbnb lại khuyến khích, thúc đẩy không ít "chủ nhà", chủ kinh doanh bất động sản sẵn sàng bỏ qua nhiều quy định, quy chế trong kinh doanh. Trong bài viết Việt Nam nắm lấy thời cơ nhưng thị trường đang trở nên chật chội đăng trên tạp chí Forbes ngày 24-10-2016, B.Davis - phóng viên chuyên trách tại Việt Nam về thương mại và xã hội, đã nhận định "Airbnb đang bùng nổ tại Việt Nam (…) Ðăng ký các bất động sản trên Airbnb đang ngày một phổ biến và một số nhà đầu tư đang coi đó là công việc kinh doanh chính của mình". Trả lời phỏng vấn của B.Davis, hai doanh nhân gốc Việt là C.Phạm và L.Carnie cho hay họ đã đăng ký rất nhiều căn hộ của mình trên dịch vụ của Airbnb. Thậm chí, L.Carnie còn bỏ ra 20.000 USD để cải tạo một căn hộ từ thời Pháp thuộc tại trung tâm TP Hồ Chí Minh nhằm phục vụ công việc kinh doanh, trong khi theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, người dân không thể tự ý cải tạo nhà ở thành nhà nghỉ, khách sạn. Dạo qua các tin cho thuê nhà trên Airbnb tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có thể thấy một điểm chung là phần lớn "chủ nhà" đã "lách luật" khi tự ý cải tạo nhà, xây dựng thêm công trình phụ với mục đích "kinh doanh dịch vụ khách sạn mi-ni" trá hình. Với nhiều bất động sản cho thuê theo dịch vụ Airbnb, số tiền các doanh nhân này thu được cao gấp nhiều lần so với hình thức thuê nhà truyền thống. Nghiêm trọng hơn, nhiều phòng, căn hộ thuộc loại này lại nằm trong các khu phố cổ vốn có quy định ngặt nghèo về cải tạo, sửa chữa. Thông qua môi giới của Airbnb, họ bỏ qua hàng loạt quy định về xây dựng, an ninh trật tự đô thị, cảnh báo an toàn, phòng cháy chữa cháy,… để cải tạo, cho thuê nhà kiếm lợi. Ðó là chưa kể, nhiều người tự ý mở thêm các dịch vụ trải nghiệm nhằm thu thêm lợi nhuận. Theo điều khoản sử dụng của Airbnb, "chủ nhà" có thể thoải mái đăng ký thêm các dịch vụ mà họ cung ứng với điều kiện trích lại 20% lợi nhuận từ chúng cho công ty. Bởi thế, nhiều chủ nhà tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không ngần ngại quảng cáo các dịch vụ: làm hướng dẫn viên du lịch, mở các lớp học về văn hóa ẩm thực, cho thuê phương tiện đi lại... Trong bối cảnh thực trạng du lịch Việt Nam còn nhiều yếu kém bởi các hoạt động lữ hành tự phát như hiện nay, nguy cơ các chủ cơ sở Airbnb tạo ra những tiền lệ xấu là khó tránh khỏi. Không chỉ riêng tại Việt Nam, Airbnb đang đối diện với vấn đề pháp lý tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Tháng 3-2017, theo Japantimes (Thời báo Nhật Bản), Chính phủ Nhật Bản đã thông qua những điều khoản mới trong Luật Cư trú. Theo đó, công dân Nhật Bản không được phép cho người ở nhờ quá 180 ngày. Ðiều luật này trực tiếp hạn chế sự bùng nổ của Airbnb tại Nhật Bản, nhất là sau những vụ án dân sự, hình sự do khách du lịch và người kinh doanh dịch vụ Airbnb tại Nhật Bản gây ra ngày càng phổ biến. Trước Nhật Bản, nhiều quốc gia và thành phố tại châu Âu cũng như nhiều nơi tại Mỹ cũng đã siết chặt quy định về cư trú và di trú, nhất là sau khi chứng kiến những phiền nhiễu do giới kinh doanh Airbnb và khách du lịch đem đến địa phương của họ. Tại Tây Ban Nha, Airbnb đã hai lần phải nộp phạt cho chính quyền thành phố Bác-xê-lô-na vì những sai phạm trong năm 2014 và 2015. Tại Pháp, xung đột giữa người làm dịch vụ Airbnb với cư dân cũng lên đến đỉnh điểm. Trả lời phỏng vấn trên Thời báo Bloomberg về vấn đề tẩy chay Airbnb, Thị trưởng thành phố Pa-ri A.Hidalgo (A.Hi-đan-gô) thừa nhận: "Chúng tôi đang chiến đấu để bảo vệ những người dân Pa-ri đang sinh sống trong thành phố và không hề muốn khách du lịch chiếm dụng không gian của mình". Tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Cục Thuế cho biết Airbnb là một loại hình dịch vụ tương đối mới; đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có thống kê chính xác về số lượng cơ sở lưu trú loại này, cũng chưa có biện pháp quản lý và thu thuế cụ thể. Ðiều này dấy lên mối lo ngại về nguy cơ thất thu thuế, trong khi dịch vụ Airbnb đã có ba năm tồn tại ở Việt Nam, và tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Không thể phủ nhận giá trị của các phần mềm, ứng dụng thông minh cũng như tài năng của nhà sáng chế, doanh nhân khởi nghiệp trong sự phát triển của kinh tế, xã hội. Chính nhờ các ứng dụng như Airbnb, Wetransfer (dịch vụ chia sẻ file dung lượng lớn miễn phí), Bigcommerce (nền tảng thương mại điện tử tích hợp),… năng suất công việc, hiệu quả lao động, tận dụng nguồn tài nguyên trong xã hội, tăng cơ hội việc làm đã được nâng cao một cách đáng kể. Tuy nhiên, việc sử dụng các tiện ích này cần phải tuân thủ pháp luật, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, phục vụ những lợi ích bền vững cho cộng đồng và đất nước. Ðây là điều các cơ quan chức năng cần chú ý tìm hiểu, đánh giá,… để nhanh chóng có giải pháp quản lý phù hợp nhu cầu của người dân, yêu cầu của xã hội, tránh tình trạng buông lỏng quản lý dẫn đến thất thu thuế gây khó khăn trong việc bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...
|
VIỆT QUANG |
Thời đại công nghệ bất động sản đang là nghành nghề kiếm lời nhanh nhất, nên hiện nay có rất nhiều người kinh doanh bất ...
50 triệu
39 triệu
39 triệu
28 triệu
49 triệu
22 triệu
35 triệu
25 triệu
200 triệu
20 triệu